Từ năm 2024, để hành nghề khám chữa bệnh dưới chức danh tâm lý lâm sàng, người hành nghề bắt buộc phải có giấy phép?

Cho tôi hỏi năm 2024, có phải để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh dưới chức danh tâm lý lâm sàng, người hành nghề bắt buộc phải có giấy phép? Mong được tư vấn.

Để hành nghề khám chữa bệnh dưới chức danh tâm lý lâm sàng, người hành nghề bắt buộc phải có giấy phép?

Căn cứ theo quy định hiện nay tai Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, có 6 chức danh chuyên môn nào phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gồm:

- Bác sỹ, y sỹ

- Điều dưỡng viên

- Hộ sinh viên.

- Kỹ thuật viên

- Lương y

- Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, từ năm 2024, các chức danh chuyên môn nào phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:

Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề
1. Chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:
a) Bác sỹ;
b) Y sỹ;
c) Điều dưỡng;
d) Hộ sinh;
đ) Kỹ thuật y;
e) Dinh dưỡng lâm sàng;
g) Cấp cứu viên ngoại viện;
h) Tâm lý lâm sàng;
i) Lương y;
k) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Theo quy định nêu trên, từ năm 2024, người hành nghề khám chữa bệnh dưới chức danh tâm lý lâm sàng, người hành nghề bắt buộc phải có giấy phép.

Từ năm 2024, để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh dưới chức danh tâm lý lâm sàng, người hành nghề bắt buộc phải có giấy phép?

Từ năm 2024, để hành nghề khám chữa bệnh dưới chức danh tâm lý lâm sàng, người hành nghề bắt buộc phải có giấy phép? (Hình từ Internet)

Các bác sĩ được cấp mới giấy phép hành nghề khám chữa bệnh khi đáp ứng những điều kiện gì?

Khoản 2 Điều 30 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề khám chữa bệnh đối với bác sĩ như sau:

Cấp mới giấy phép hành nghề
1. Cấp mới giấy phép hành nghề được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
b) Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề;
c) Người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ;
d) Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
2. Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng bao gồm:
a) Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 24 của Luật này hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của Luật này;
b) Có đủ sức khỏe để hành nghề;
c) Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;
d) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
...

Theo đó, các bác sĩ được cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh khi đáp ứng những điều kiện sau:

- Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

- Có đủ sức khỏe để hành nghề;

- Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

- Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thời hạn của giấy phép hành nghề khám chữa bệnh là bao nhiêu năm?

Khoản 2 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

Giấy phép hành nghề
1. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc.
2. Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm.
3. Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:
a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài;
b) Chức danh chuyên môn;
c) Phạm vi hành nghề;
d) Thời hạn của giấy phép hành nghề.
4. Người đề nghị cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề mà phải cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết Điều này và quy định mẫu giấy phép hành nghề.

Theo quy định nêu trên, giấy phép hành nghề khám chữa bệnh có thời hạn là 05 năm.

*Lưu ý: Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ 01/01/2024

Trân trọng!

Trần Thúy Nhàn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào