Tổng công ty có phải là một loại hình doanh nghiệp? Mô hình tổng công ty hiện nay có những đặc điểm gì?

Tổng công ty có phải là một loại hình doanh nghiệp? Mô hình tổng công ty hiện nay có những đặc điểm gì? Câu hỏi của anh Minh Tâm đến từ tỉnh Thái Bình

Tổng công ty có phải là một loại hình doanh nghiệp?

Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 194 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty
1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.
2. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.
...

Như vậy, theo quy định trên, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp và cũng không có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật.

TONG-CONG-TY

Tổng công ty có phải là một loại hình doanh nghiệp? Mô hình tổng công ty hiện nay có những đặc điểm gì? (Hình từ Internet)

Những đặc điểm nổi bật về mô hình tổng công ty hiện nay?

Tổng công ty là tổ hợp có danh tính nhưng không có tư cách pháp nhân. Lý do là bởi vì tổng công ty không tiếp nhận sự chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ các pháp nhân thành viên nên không hình thành tài sản riêng, và do đó không có tài sản độc lập. Mặc dù tổng công ty không có tư cách pháp nhân nhưng lại được hình thành trên cơ sở liên kết giữa các pháp nhân.

Pháp nhân thành viên tổng công ty có thể là pháp nhân thương mại hoặc pháp nhân phi thương mại. Trong đó, pháp nhân thương mại là các công ty hoạt động dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; pháp nhân phi thương mại là các cơ sở nghiên cứu, đào tạo hoặc thực hiện các nhiệm vụ xã hội của tổng công ty.

Các thành viên trong tổng công ty hoạt động tương đối độc lập, mỗi công ty lại có một cơ cấu quản lý riêng do đó cần phải xây dựng một cơ cấu tổ chức quản lý hợp lý. Cơ cấu tổ chức này phải xác định cụ thể vấn đề quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp quản lý.

Hầu hết các tổng công ty đều hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có một ngành nghề kinh doanh mang tính mũi nhọn. Điều này giúp phân tán rủi ro, đảm bảo cho hoạt động có tính bền vững và hiệu quả, đồng thời tận dụng được cơ sở vật chất và khả năng lao động phong phú của tổng công ty.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước do ai thành lập?

Căn cứ Điều 1 Nghị định 151/2013/NĐ-CP quy định như sau:

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là Tổng công ty).
Tổng công ty là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chuyển giao.
Việc tổ chức và hoạt động của Tổng công ty được áp dụng theo các quy định của Nghị định này, Điều lệ Tổng công ty và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hiện nay do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/08/2006.

Chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 151/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 147/2017/NĐ-CP, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước có các chức năng và nhiệm vụ như sau:

- Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp.

- Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn do Tổng công ty tiếp nhận và trực tiếp đầu tư.

- Tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao theo quy định hiện hành.

- Đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhà nước nắm giữ quyền chi phối.

- Đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

- Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật.

- Cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

- Các nhiệm vụ khác theo phân công của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Trân trọng!

Lê Gia Điền

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào