Cơ cấu tổ chức Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm những cơ quan nào?
Cơ cấu tổ chức Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm những cơ quan nào?
Tại Điều 9 Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như sau:
(1) Vụ Nông nghiệp;
(2) Vụ Công nghiệp;
(3) Vụ Năng lượng;
(4) Vụ Công nghệ và hạ tầng;
(5) Vụ Tổng hợp;
(6) Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ;
(7) Vụ Tổ chức cán bộ;
(8) Văn phòng;
(9) Trung tâm thông tin.
Cơ cấu tổ chức Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm những cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Có mấy doanh nghiệp do Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu?
Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như sau:
Cơ cấu tổ chức và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu
...
2. Doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu:
a) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
đ) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;
e) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
g) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
h) Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
i) Tổng công ty Viễn thông MobiFone;
k) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;
l) Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
m) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
n) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
o) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
p) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;
q) Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
r) Tổng công ty Lương thực miền Nam;
s) Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
t) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;
u) Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
...
Như vậy, có 19 doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm gì đối với doanh nghiệp?
Tại Điều 7 Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như sau:
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và gia tăng tổng giá trị danh mục vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được giao quản lý. Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp; không quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền hợp pháp của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp.
- Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Thực hiện công khai thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định kỳ theo quy định của pháp luật hoặc đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền các báo cáo phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với Ủy ban trong việc thực hiện mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện các nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Giải trình trước cơ quan có thẩm quyền về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện các trách nhiệm khác theo phân công, giao nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như