Viên chức có được đứng tên thành lập cơ sở mầm non tư thục?
Viên chức được đứng tên thành lập cơ sở mầm non tư thục?
Căn cứ tại Điều 14 Luật Viên chức 2010 như sau:
Quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định
1. Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
...
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
...
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
...
Khi cá nhân mở cơ sở mầm non tư thục cần được cấp Giấy phép đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, sau đó sẽ tiến hành việc thành lập doanh nghiệp có ngành nghề chức năng kinh doanh đào tạo Mầm non.
Như vậy, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp có ngành nghề đào tạo mầm non nói riêng hay các doanh nghiệp khác nói chung.
Viên chức có được đứng tên thành lập cơ sở mầm non tư thục? (Hình từ Internet)
Các điều kiện thành lập cơ sở mầm non tư thục?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như sau:
Điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục
1. Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.
Vậy cá nhân cần thực hiện đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương, mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển. Sau đó nộp đề án duyệt tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được thẩm định và phê duyệt.
Cơ quan nào tiếp nhận thủ tục thành lập cơ sở mầm non tư thục?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như sau:
Thủ tục thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục
...
3. Trình tự thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Như vậy, cá nhân thành lập cơ sở mầm non tư thục sau khi thực hiện hồ sơ và đề án thành lập trường mẫu giáo đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì được ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập. Nếu không thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trân trọng!
Đào Phương Nga