Tự ý nghỉ việc không báo trước có chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?
Người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước có được chốt sổ bảo hiểm xã hội không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các thời hạn báo trước khi nghỉ việc như sau:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.
Theo đó, trường hợp của người lao động tự ý nghỉ việc không thông báo trước được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật do vi phạm về nghĩa vụ báo trước trong hợp đồng lao động.
Vấn đề chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động được quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không phân biệt là đúng luật hay trái pháp luật, bản thân doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội gần đây nhất cho người lao động phải thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả sổ cho người lao động.
Tự ý nghỉ việc không báo trước có chốt sổ bảo hiểm xã hội được không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp chây lì không chốt sổ bị phạt ra sao?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Vậy khi doanh nghiệp cố tình không chốt sổ cho người lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01 – 02 triệu đồng về hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ cho người lao động.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 41 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:
Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
...
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội.
Như vậy, người sử dụng lao động không trả sổ cho người lao động theo quy định còn bị phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động và tối đa không quá 75 triệu đồng.
Người lao động có thể khiếu nại tại cơ quan nào khi doanh nghiệp cố ý không chốt sổ?
Căn cứ theo Điều 39 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động:
Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Như vậy, người lao động có thể tố cáo về hành vi không chốt sổ của doanh nghiệp có vi phạm tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở. Khi xác minh được việc công ty vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt theo quy định, đồng thời yêu cầu công ty phải thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trân trọng!
Đào Phương Nga