Quảng cáo thuốc trên mạng xã hội hoặc trên các website cần đáp ứng điều kiện gì?
Quảng cáo thuốc trên mạng xã hội hoặc trên các website cần đáp ứng điều kiện gì?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 có quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, như sau:
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo
1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc lá.
3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
...
Tại điểm a khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 có quy định về điều kiện quảng cáo như sau:
Điều kiện quảng cáo
...
4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
...
Theo đó, quảng cáo thuốc trên mạng xã hội hoặc trên các website bị ràng buộc các điều kiện sau:
- Không được quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
- Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế;
- Phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt
Quảng cáo thuốc trên mạng xã hội hoặc trên các website cần đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Những nội dung nào cần phải có khi quảng cáo thuốc?
Tại Điều 3 Nghị định 181/2013/NĐ-CP có quy định về quảng cáo thuốc như sau:
Quảng cáo thuốc
1. Nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với các tài liệu sau đây:
a) Giấy phép lưu hành tại Việt Nam;
b) Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt;
c) Chuyên luận về thuốc đã được ghi trong Dược thư Quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.
2. Quảng cáo thuốc phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thuốc theo quyết định cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
b) Tên hoạt chất của thuốc:
Thuốc tân dược dùng tên theo danh pháp quốc tế;
Thuốc có nguồn gốc dược liệu dùng tên theo tiếng Việt, trường hợp tên dược liệu ở Việt Nam chưa có thì dùng theo tên nguyên bản nước xuất xứ kèm tên la-tinh.
c) Chỉ định của thuốc;
d) Chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính;
đ) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
e) Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
3. Quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và e Khoản 2 Điều này. Nếu thành phần thuốc có từ 03 hoạt chất trở lên thì tùy theo thời lượng phát sóng, có thể đọc tên hoạt chất chính hoặc đọc tên chung các vitamin, khoáng chất, dược liệu.
4. Quảng cáo thuốc trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng đủ nội dung quy định tại các điểm a, b, đ và e Khoản 3 Điều này.
5. Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc bao gồm:
a) Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;
b) Chi định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;
c) Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên;
d) Các chỉ định mang tính kích dục;
đ) Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;
e) Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác.
6. Thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm:
a) Hình ảnh người bệnh;
b) Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá;
c) Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc.
Theo đó, những nội dung cần phải có khi quảng cáo thuốc gồm:
- Tên thuốc theo quyết định cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
- Tên hoạt chất của thuốc:
+ Thuốc tân dược dùng tên theo danh pháp quốc tế;
+ Thuốc có nguồn gốc dược liệu dùng tên theo tiếng Việt, trường hợp tên dược liệu ở Việt Nam chưa có thì dùng theo tên nguyên bản nước xuất xứ kèm tên la-tinh.
- Chỉ định của thuốc;
- Chống chỉ định hoặc các khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
- Khuyến cáo Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Quảng cáo thuốc kê đơn, thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành thì bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại điểm d khoản 1 và khoản 3 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, như sau:
Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo:
1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thuốc lá;
b) Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên;
c) Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo;
d) Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành;
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP có quy định:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Như vậy, quảng cáo thuốc kê đơn, thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành thì bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
- Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức, mức phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in có quảng cáo.
Trân trọng!
Võ Ngọc Trúc Quỳnh