Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội gồm những quy tắc nào? Sử dụng hình ảnh, thông tin đăng lên các trang mạng nhằm xúc phạm thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Quy tắc ứng xử cho cá nhân trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là gì?
- Vi phạm bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội bằng hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đăng lên các trang mạng nhằm xúc phạm, bôi nhọ thì có thể bị xử phạt hành chính như thế nào?
- Ai có thẩm quyền xử lý hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đăng lên các trang mạng xã hội?
Quy tắc ứng xử cho cá nhân trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là gì?
Căn cứ tại Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021 có quy định về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho tổ chức cá nhân, như sau:
- Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
- Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
- Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
- Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
- Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
- Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
- Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh
Quy tắc ứng xử cho cá nhân trong bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là gì? Sử dụng hình ảnh, thông tin đăng lên các trang mạng nhằm xúc phạm thì bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Vi phạm bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội bằng hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đăng lên các trang mạng nhằm xúc phạm, bôi nhọ thì có thể bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội”.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, người sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đăng lên các trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng hoặc từ 20 đến 30 triệu đồng nếu tiết lộ bí mật đời tư người khác. Đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật theo quy định.
Ai có thẩm quyền xử lý hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đăng lên các trang mạng xã hội?
Căn cứ Điều 116 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 42 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP có quy định về thẩm quyền xử phạt của các cấp trong lực lượng Công an nhân dân, trong đó, lực lượng Công an nhân dân có quyền:
- Phạt cảnh cáo;
- Phạt tiền lên đến 200 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, bưu chính, giao dịch điện tử;
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như sau:
Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm:
"a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm."
Theo đó, nạn nhân có thể tố giác hành vi có sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của mình đăng lên các trang mạng xã hội đến Công an các cấp, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức khác để được xử lý. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố hình sự khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Trân trọng!
Võ Ngọc Trúc Quỳnh