Có được sử dụng phiếu giao hàng thay thế việc sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng hóa?
- Các nguyên tắc lập hóa đơn và thời điểm lập hóa đơn là gì?
- Có được sử dụng phiếu giao hàng thay thế việc sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng hóa? Sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng được quy định thế nào?
- Tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường như thế nào?
Các nguyên tắc lập hóa đơn và thời điểm lập hóa đơn là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc lập hóa đơn như sau:
Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
...
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:
Thời điểm lập hóa đơn
1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
...
Như vậy, nguyên tắc lập hóa đơn là: khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua:
- Các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu;
- Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất);
- Xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa)
- Phải ghi đầy đủ nội dung của hóa đơn. trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế.
Có được sử dụng phiếu giao hàng thay thế việc sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng hóa? Sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng được quy định thế nào?
Căn cứ tại điểm đ khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ như sau:
Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
...
đ) Tổ chức, cá nhân xuất hàng hóa bán lưu động sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định, khi bán hàng lập hóa đơn điện tử theo quy định.
...
Theo hướng dẫn tại Công văn 9300/CTHN - TTHT năm 2023 về sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành như sau:
Cục thuế Hà Nội có ý kiến như sau:
...
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có xuất hàng hóa bán lưu động đến khách hàng thì sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định, khi bán hàng lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Như vậy, Công ty có xuất hàng hóa bán lưu động đến khách hàng thì sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Khi bán hàng hóa doanh nghiệp lập hóa đơn điện tử theo quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý.
Sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng được quy định thế nào? Có được sử dụng phiếu giao hàng thay thế việc sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng hóa? (Hình từ Internet)
Tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường như thế nào?
Tại Điều 45 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:
Tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường
1. Khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy. Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử.
2. Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đang thực hiện kiểm tra thực hiện tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo hình thức nhắn tin.
Điều 47 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử, như sau:
Hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử
1. Bên sử dụng thông tin là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; các tổ chức, cá nhân là người mua hàng hóa, dịch vụ truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo các nội dung thông tin hóa đơn điện tử.
2. Bên sử dụng thông tin là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã ký quy chế trao đổi thông tin hoặc ký hợp đồng phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, kết nối, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế như sau:
a) Áp dụng chữ ký số có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện việc mã hóa đường truyền;
c) Đảm bảo an toàn thông tin theo quy định của pháp luật;
d) Tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật do Tổng cục Thuế công bố, gồm: Chỉ tiêu thông tin, định dạng dữ liệu, phương thức kết nối, tần suất trao đổi thông tin.
Bên sử dụng thông tin nêu tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm phân công đầu mối đăng ký sử dụng thông tin hóa đơn điện tử (sau đây gọi tắt là đầu mối đăng ký) và thông báo cho Tổng cục Thuế bằng văn bản.
Và Điều 48 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về công bố, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử như sau:
Công bố, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử
1. Nội dung thông tin hóa đơn điện tử được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử là các nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định này và tình trạng hóa đơn điện tử.
2. Thông tin hóa đơn điện tử cung cấp dưới dạng văn bản điện tử và dữ liệu điện tử được ký bằng chữ ký số của Tổng cục Thuế hoặc dưới dạng tin nhắn do Tổng cục Thuế cung cấp cho bên sử dụng thông tin là cơ quan quản lý nhà nước thông qua số điện thoại được công bố chính thức tại văn bản gửi Tổng cục Thuế.
3. Việc hiển thị thông tin hóa đơn điện tử trên hệ thống của doanh nghiệp phải theo thứ tự các nội dung hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Theo hướng dẫn tại Công văn 9300/CTHN - TTHT năm 2023 về sử dụng hóa đơn điện tử khi giao hàng do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành như sau:
Cục thuế Hà Nội có ý kiến như sau:
...
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có xuất hàng hóa bán lưu động đến khách hàng thì sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định, khi bán hàng lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP .
Như vậy, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử khi giao hàng phục vụ kiểm tra hàng hóa lưu động trên thị trường thực hiện như sau:
- Bên sử dụng thông tin là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Các tổ chức, cá nhân là người mua hàng hóa, dịch vụ truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử.
- Nội dung thông tin hóa đơn điện tử được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử là các nội dung của hóa đơn điện tử và tình trạng hóa đơn điện tử.
- Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử phục vụ yêu cầu quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.
- Các cơ quan có liên quan có trách nhiệm sử dụng các thiết bị để truy cập tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử.
- Trường hợp bất khả kháng do sự cố, thiên tai dẫn đến không tra cứu được dữ liệu hóa đơn thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo hình thức nhắn tin.
Trân trọng!
Võ Ngọc Trúc Quỳnh