Thực hiện việc kê biên tài sản trong thi hành án dân sự thì đương sự có được uỷ quyền cho người khác không?
Thực hiện việc kê biên tài sản trong thi hành án dân sự thì đương sự có được uỷ quyền cho người khác không?
Tại Điều 88 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định thực hiện việc kê biên tài sản như sau:
Thực hiện việc kê biên
1. Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được uỷ quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Trường hợp không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.
Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khoá, phá khoá, mở gói thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.
2. Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.
Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được uỷ quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.
Như vậy, khi thực hiện việc kê biên tài sản trong thi hành án dân sự, nếu đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình và chấp hành viên vẫn tiến hành thực hiện việc kê biên tài sản.
Thực hiện việc kê biên tài sản theo Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có được uỷ quyền cho người khác không? (Hình từ Internet)
Giá đối với tài sản kê biên được xác định như thế nào?
Tại Điều 26 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định xác định giá đối với tài sản kê biên như sau:
- Trường hợp không ký được hợp đồng dịch vụ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2008:
+ Đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
+ Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
+ Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự 2008
Trong trường hợp này, Chấp hành viên có thể lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên;
Trường hợp vẫn không thể ký được hợp đồng thì Chấp hành viên tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên trước khi xác định giá của tài sản kê biên.
Việc tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan phải lập thành văn bản hoặc biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn đó.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Chấp hành viên mà cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn không có ý kiến bằng văn bản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có ý kiến để Chấp hành viên xác định giá tài sản kê biên.
- Tài sản kê biên có giá trị nhỏ là tài sản kê biên thuộc loại tươi sống, mau hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá.
Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ. là tài sản mà tại thời điểm xác định giá, tài sản giống hệt hoặc tương tự chưa qua sử dụng có giá mua bán trên thị trường không quá 10.000.000 đồng.
Trường hợp nào phải định giá lại tài sản kê biên?
Tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 33 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định định giá lại tài sản kê biên như sau:
Định giá lại tài sản kê biên
1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
2. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 98 của Luật này.
3. Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.
Như vậy, trường hợp cần định giá lại tài sản kê biên bao gồm:
- Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2008 dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
- Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như