Đánh tráo trẻ sơ sinh để giúp con mình được nuôi dưỡng tốt hơn có phải đi tù không?

Đánh tráo trẻ sơ sinh để giúp con mình được nuôi dưỡng tốt hơn có phải đi tù không? Mức phạt tù cho hành vi đánh tráo trẻ sơ sinh được quy định như thế nào?

Đánh tráo trẻ sơ sinh để giúp con mình được nuôi dưỡng tốt hơn có phải đi tù không?

Tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định các hành vi bị cấm như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc Điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
...

Tại Điều 28 Luật Trẻ em 2016 còn quy định trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

Như vậy, hành vi đánh tráo trẻ em được pháp luật quy định là hành vi bị cấm, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đánh tráo trẻ sơ sinh để giúp con mình được nuôi dưỡng tốt hơn có phải đi tù không? (Hình từ Internet)

Mức phạt tù cho hành vi đánh tráo trẻ sơ sinh được quy định như thế nào?

Tại Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015 bị thay thế bởi điểm g khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội đánh tráo trẻ dưới 01 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt như sau:

- Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

+ Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

+ Phạm tội 02 lần trở lên.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nhà nước có trách nhiệm gì về bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em?

Tại Điều 43 Luật Trẻ em 2016 nhà nước có trách nhiệm bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em như sau:

- Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật.

- Ưu tiên tư vấn, bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em bị xâm hại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

- Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

- Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

- Nhà nước có chính sách, biện pháp để trẻ em được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh cơ bản, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

- Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trân trọng!

Lương Thị Tâm Như

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào