Trong thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập bị phạt bao nhiêu tiền?
- Hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị phạt hành chính như thế nào?
- Việc đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo mẫu nào?
- Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp?
Hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị phạt hành chính như thế nào?
Điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
Vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
...
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Phạt tiền đối với hành vi thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt sau:
...
Ngoài ra, điểm b và điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; biện pháp đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục nghề nghiệp và các Nghị định trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
...
3. Mức phạt tiền trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
...
b) Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức, trừ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 11, khoản 1 và khoản 2 Điều 16, các khoản 1, 2 và 3 Điều 21, điểm a khoản 3 Điều 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 27, điểm b khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 34, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36 của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân;
c) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức;
...
Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm.
Trong thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hành vi gian lận hồ sơ để được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Việc đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo mẫu nào?
Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 24/2022/NĐ-CP quy định về mẫu văn bản đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
Xem thêm và tải về mẫu văn bản đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Tại đây
Theo quy định nêu trên, việc đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 24/2022/NĐ-CP.
Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp?
Điều 7 Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
Thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc cơ quan, tổ chức mình.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập trường cao đẳng công lập, cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Quyết định thành lập:
+ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp,
+ Trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cho phép thành lập:
+ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp,
+ Trường trung cấp tư thục trên địa bàn.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội quyết định thành lập:
- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp,
- Trường trung cấp công lập trực thuộc cơ quan, tổ chức mình.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Quyết định thành lập trường cao đẳng công lập,
- Cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn