Nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ ở đâu?
- Nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ ở đâu?
- Quy định về đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ như thế nào?
- Cơ quan nào tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ?
Nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ ở đâu?
Tại Điều 9 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT có quy định về chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án như sau:
Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án
1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia căn cứ nội dung thông tin được công bố theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này. Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư bao gồm: văn bản đăng ký thực hiện; hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư; các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Hết thời hạn đăng ký thực hiện dự án, Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Như vậy, nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ ở đâu? (Hình từ Internet)
Quy định về đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ như thế nào?
Tại Điều 10 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT có quy định về đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ như sau:
Đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư
1. Căn cứ kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, Cơ quan quản lý đường bộ báo cáo Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo một trong hai trường hợp sau:
a) Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Cơ quan quản lý đường bộ ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này và giao Cơ quan quản lý đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này;
b) Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, căn cứ tiến độ thực hiện dự án, mục tiêu thu hút đầu tư cũng như các điều kiện cụ thể khác của dự án, Cơ quan quản lý đường bộ xem xét gia hạn thời gian đăng ký thực hiện dự án. Việc gia hạn và thời gian gia hạn cân nhắc để đủ thời gian cần thiết cho các nhà đầu tư tiềm năng khác có cơ hội tiếp cận thông tin và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhằm tăng tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả. Nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu không phải nộp lại hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Sau khi gia hạn, trường hợp có thêm nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Trường hợp không có thêm nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
2. Cơ quan quản lý đường bộ đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc thông báo kết thúc thủ tục công bố danh mục dự án trong trường hợp không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.
Như vậy, căn cứ kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo một trong hai trường hợp:
- Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Cơ quan quản lý đường bộ ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
- Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, căn cứ tiến độ thực hiện dự án, mục tiêu thu hút đầu tư cũng như các điều kiện cụ thể khác của dự án, Cơ quan quản lý đường bộ xem xét gia hạn thời gian đăng ký thực hiện dự án.
Cơ quan nào tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ?
Tại Điều 11 Thông tư 01/2023/TT-BGTVT có quy định về chấp thuận Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ như sau:
Chấp thuận Nhà đầu tư
1. Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này, trong đó bao gồm việc xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án (m2), giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) theo quy định tại Điều 16, Điều 17 của Thông tư này.
2. Hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư được phát hành cho nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư theo các nội dung của hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư.
3. Cơ quan quản lý đường bộ tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư. Trong quá trình đánh giá, Cơ quan quản lý đường bộ có thể mời nhà đầu tư đến làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư.
4. Nhà đầu tư được chấp thuận khi đáp ứng đầy đủ các nội dung của hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư.
5. Căn cứ kết quả chấm thầu của Bên mời thầu, Cơ quan quản lý đường bộ phê duyệt kết quả chấp thuận nhà đầu tư đáp ứng quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 33 của Luật Đầu tư.
Như vậy, Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất chấp thuận nhà đầu tư theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ yêu cầu chấp thuận nhà đầu tư.
Thông tư 01/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ 01/5/2023.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn