Cán bộ, công chức không đồng ý với quyết định luân chuyển vị trí công tác có quyền được khiếu nại hay không?

Cán bộ, công chức có được khiếu nại quyết định luân chuyển vị trí công tác khi không đồng ý với quyết định luân chuyển? Câu hỏi của anh Phạm Khánh đến từ tỉnh Tây Ninh.

Không đồng ý với quyết định luân chuyển vị trí công tác cán bộ, công chức bị luân chuyển có quyền được khiếu nại hay không?

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 có quy định như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
...

Tại Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 lại có quy định như sau:

Các khiếu nại không được thụ lý giải quyết
Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;
4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;
6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;
7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.
...

Theo đó, quyết định luân chuyển vị trí công tác là loại quyết định hành chính nội bộ trong cơ quan nhà nước. Đây cũng được xem là loại quyết định mang tính chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới.

Như vậy, theo quy định trên, nếu cán bộ, công chức không đồng ý với quyết định luân chuyển vị trị trí công tác của cơ quan đơn vị mà có đơn khiếu nại thì vẫn không được thụ lý giải quyết.

khieu-nai-ky-luat

Cán bộ, công chức không đồng ý với quyết định luân chuyển vị trí công tác có quyền được khiếu nại hay không? (Hình từ Internet)

Cán bộ, công chức bị kỷ luật có được quyền khiếu nại không?

Căn cứ quy định tại Điều 47 Luật Khiếu nại 2011 lại có quy định như sau:

Khiếu nại quyết định kỷ luật
Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, khi bị kỷ luật cán bộ, công chức hoàn toàn có quyền khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi công chức cấp xã bị kỷ luật thuộc về ai?

Căn cứ theo Điều 51 Luật Khiếu nại 2011 có quy định như sau:

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp còn khiếu nại tiếp.
...

Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật và quy định trên thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật công chức cấp xã sẽ thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Luân chuyển công chức

Lê Gia Điền

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào