Mua bán tem kiểm định giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Giấy tờ cần thiết khi lập hồ sơ phương tiện và kiểm định?
Tem kiểm định là gì?
Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định tem kiểm định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Tem kiểm định) là biểu trưng cấp cho xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và được phép tham gia giao thông đường bộ theo thời hạn ghi trên Tem kiểm định trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định công nhận lẫn nhau về Giấy chứng nhận kiểm định.
...
Như vậy, tem kiểm định là tem xác nhận xe được phép tham gia giao thông và đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định. Tem kiểm định được phát hành thống nhất; có các chi tiết chống làm giả; có cùng số seri với Giấy chứng nhận; nội dung có in biển số phương tiện được cấp Tem kiểm định; in thời hạn hiệu lực (ngày/tháng/năm).
Mua bán tem kiểm định giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? (Hình từ Internet)
Giấy tờ cần thiết khi lập hồ sơ phương tiện và kiểm định?
Tại Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định giấy tờ cần thiết khi lập hồ sơ phương tiện và kiểm định như sau:
- Lập Hồ sơ phương tiện
Việc lập Hồ sơ phương tiện được thực hiện khi xe cơ giới kiểm định lần đầu để tham gia giao thông (trường hợp kiểm định lần đầu để cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày thì không lập Hồ sơ phương tiện). Khi đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định và lập Hồ sơ phương tiện, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ sau:
+ Xuất trình: giấy tờ về đăng ký xe (bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng) hoặc Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký;
+ Nộp bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý);
+ Nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp xe cơ giới mới cải tạo.
- Kiểm định
Khi đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, chủ xe cần xuất trình, nộp các giấy tờ và cung cấp các thông tin sau:
+ Các giấy tờ: giây tờ về đăng ký xe (bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc Giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp của tổ chức tín dụng) hoặc Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký; bản chính Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp xe cơ giới mới cải tạo;
+ Thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và địa chỉ trang thông tin điện tử quản lý thiết bị giám sát hành trình, camera đối với xe cơ giới thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera;
+ Khai báo về việc kinh doanh vận tải vào Phiếu theo dõi hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.
Như vậy, để đảm bảo việc lập hồ sơ phương tiện và kiểm định được đầy đủ thì chủ xe cần xuất trình và nộp các giấy tờ theo quy định trên.
Mua bán tem đăng kiểm giả có bị phạt tù ít nhất bao nhiêu năm?
Tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội làm, buôn bán tem giả, vé giả như sau:
- Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị;
+ Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng 30.000 đơn vị trở lên;
+ Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá 200.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, việc mua bán tem giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với phạt tù mức phạt thấp nhất là 06 tháng.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như