Bán bóng cười có bị cấm không? Người hút bóng cười có bị xem là tội phạm không?
Bóng cười là gì?
Tại Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP được thay thế bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 82/2022/NĐ-CP quy định danh mục hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong đó, bóng cười có công thức hóa học là N20 (hay còn được gọi là Dinitơ oxit hay nitrous oxide), được nén hơi vào quả bong bóng.
Người hút bóng cười có bị xem là tội phạm không? Cơ sở sản xuất bóng cười vi phạm quy định hoạt động theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Bán bóng cười có bị cấm không? Người hút bóng cười có bị xem là tội phạm không?
Tại Điều 1 Nghị định 57/2022/NĐ-CP có quy định những danh mục các chất ma túy và tiền chất như sau:
Danh mục các chất ma túy và tiền chất
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các danh mục chất ma túy và tiền chất sau đây:
Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục II: Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục III: Các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Danh mục IV: Các tiền chất (IVA: Các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy; IVB: Các tiền chất là hóa chất, dung môi, chất xúc tác dùng trong quá trình sản xuất chất ma túy).
Như vậy, bóng cười không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất nên chưa bị cho là cấm. Tuy nhiên hiện nay trong sản xuất, kinh doanh khí N2O đều bị hạn chế sử dụng. Người hút bóng cười sử dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 cũng chưa có quy định người hút bóng cười là tội phạm. Nhưng nếu người hút bóng cười có sản xuất, thu mua, bán cho người khác mà không có sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ sở sản xuất bóng cười vi phạm quy định hoạt động theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Tại Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;
+ Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp khi có thay đổi về thông tin của cá nhân, tổ chức.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Ngoài ra, người vi phạm cũng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP và từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP.
- Buộc nộp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan cấp Giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 5 và khoản 6 Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 71/2019/NĐ-CP còn quy định mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như