Vì sao UBND Thành phố Hà Nội có 06 Phó Chủ tịch trong khi quy định không được quá 05 Phó Chủ tịch UBND tại thành phố trực thuộc trung ương?
Vì sao UBND thành phố Hà Nội có tới 06 Phó Chủ tịch UBND?
Hiện nay, cơ cấu số lượng chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương
1. Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có không quá năm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các thành phố khác trực thuộc trung ương có không quá bốn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Ủy viên Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.
...
Như vậy, theo quy định trên, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ được có không quá 05 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 08/2016/NĐ-CP lại có quy định như sau:
Nguyên tắc xác định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được xác định theo phân loại đơn vị hành chính quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quy định tại Nghị định này.
...
Đối chiếu với quy định này, thì hiện nay ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên là Thứ trưởng Bộ Tư pháp thuộc diện cán bộ được Trung ương luân chuyển về tham gia Ban Chấp hành Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2010 – 2015, giới thiệu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội theo quyết định luân chuyển cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương.
Như vậy, vì thuộc trường hợp có cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động về đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND nên vị trí Phó Chủ tịch UBND do ông Lê Hồng Sơn đang nắm giữ nằm ngoài cơ cấu số lượng 05 Phó Chủ tịch UBND mà Luật quy định. Do đó, việc thành phố Hà Nội có tới 06 vị trị Phó Chủ tich UBND như hiện nay là không trái với quy định của pháp luật.
Vì sao UBND thành phố Hà Nội có tới 06 Phó Chủ tịch? (Ảnh từ Internet)
Quy trình luân chuyển cán bộ ở trung ương được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, quy trình luân chuyển cán bộ ở trung ương được thực hiện theo khoản 2 Điều 7 Quy định 65-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị. Cụ thể theo trình tự các bước như sau:
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.
Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
Những đối tượng nào thuộc diện luân chuyển cán bộ từ Trung ương?
Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trọng tâm, cốt lõi trong công tác cán bộ của Đảng. Từ rất sớm Đảng ta đã có chủ trương về công tác luân chuyển cán bộ. Đây được xem như là công đoạn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tế; thông qua công tác luân chuyển giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn.
Tại khoản 2 Điều 4 Quy định 65-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị có quy định về cán bộ thuộc diện luân chuyển như sau:
Phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển
...
2. Đối tượng
- Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.
- Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài việc phải thuộc các đối tượng nêu trên, cán bộ thuộc diện luân chuyển phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Điều 5 Quy định số 65-QĐ/TW
Tại Điều 5 Quy định 65-QĐ/TW năm 2022 có quy định:
Tiêu chuẩn, điều kiện
1. Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.
2. Có đủ sức khoẻ và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như vậy, đối tượng thuộc diện luân chuyển cán bộ từ Trung ương phải là người được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp và hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn cả về phẩm chất chính trị, năng lực và sức khỏe theo quy định.
Trân trọng!
Lê Gia Điền