Cửa hàng tạp hóa là gì? Cửa hàng tạp hóa có cần phải đăng ký kinh doanh hay không?

Cửa hàng tạp hóa là gì? Tôi muốn mở cửa hàng tạp hóa thì có phải đăng ký kinh doanh không? Có phải nộp thuế cho nhà nước không? Câu hỏi của chị Minh Phương ở Bình Thuận

Cửa hàng tạp hóa là gì?

Cửa hàng tạp hóa là cửa hàng loại nhỏ theo mô hình của cửa hàng bách hóa do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ. Cửa hàng tạp hóa chủ yếu kinh doanh, buôn bán các sản phẩm đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của con người.

Cua-hang-tap-hoa

Cửa hàng tạp hóa là gì? (Ảnh từ Internet)

Cửa hàng tạp hóa có cần phải đăng ký kinh doanh không?

Căn cứ Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định:

Hộ kinh doanh
1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Như vậy, theo quy định trên, kinh doanh cửa hàng tạp hóa theo hướng kinh doanh thời vụ sẽ không thuộc trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, trong trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì phải tiến hành đăng ký theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh cửa hàng tạp hóa có phải nộp lệ phí môn bài không?

Tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP có quy định về các trường hợp được miễn lệ phí môn bài như sau:

Miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
6. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.
7. Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
c) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
9. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
a) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
b) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
c) Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
10. Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Như vậy, nếu cửa hàng tạp hóa đáp ứng các điều kiện sau sẽ không phải nộp lệ phí môn bài:

- Có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;

- Kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo quy định của Bộ Tài Chính;

- Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh thu từ 100 triệu trở lên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đăng ký kinh doanh

Lê Gia Điền

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào