Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Thành lập Quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện như thế nào?

Quỹ tín dụng nhân dân là gì? Theo quy định hiện nay việc thành lập Quỹ tín dụng nhân dân được tiến hành như thế nào? Câu hỏi của chị Kiều Nhi đến từ An Giang

Quỹ tín dụng nhân dân là gì?

Tại khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định như sau:

Giải thích từ ngữ
...
6. Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
...

Như vậy, Quỹ tín dụng nhân dân là một tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để thực hiện một số hoạt động ngân hàng. Quỹ tín dụng nhân dân ra đời nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.

Quy-tin-dung

Quỹ tín dụng nhân dân là gì? (Hình ảnh từ Internet)

Thủ tục thành lập Quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện như thế nào?

Ngày 01 tháng 03 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 258/QĐ-NHNN năm 2023 về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng thực hiện tại bộ phận Một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo tiểu mục a Mục II Quyết định 258/QĐ-NHNN năm 2023 , trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập Quỹ tính dụng nhân dân được thực hiện như sau:

- Bước 1: Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định gửi đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn.

- Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

- Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh: (i) Có văn bản gửi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quỹ tín dụng nhân dân dự kiến đặt trụ sở chính về việc thành lập quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; danh sách nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng Ban và các thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân; (ii) Có văn bản gửi ngân hàng hợp tác xã Việt Nam về danh sách nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng Ban và các thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân (nếu thấy cần thiết);

- Bước 4: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quỹ tín dụng nhân dân dự kiến đặt trụ sở chính, ngân hàng hợp tác xã Việt Nam có văn bản tham gia ý kiến về các nội dung được đề nghị. Quá thời hạn nêu trên, nếu không nhận được ý kiến bằng văn bản của các đơn vị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xác định đơn vị được lấy ý kiến không có ý kiến phản đối.

- Bước 5: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã, ngân hàng hợp tác xã Việt Nam hoặc kể từ ngày hết thời hạn gửi lấy ý kiến mà không nhận được ý kiến tham gia, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi Ban trù bị chấp thuận nguyên tắc thành lập quỹ tín dụng nhân dân và chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm làm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản gửi Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do.

- Bước 6: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh: Ban trù bị tổ chức Đại hội thành lập và lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh. Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản nêu trên thì văn bản chấp thuận nguyên tắc không còn giá trị.

Như vậy, việc đăng ký thành lập Quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố. Sau khi lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định Ban trụ bị tiến hành nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tỉnh thành phố hoặc cũng có thể gửi hồ sơ qua đường bưu chính.

Lập Quỹ tín dụng nhân dân cần bao nhiêu vốn?

Căn cứ khoản 8, khoản 9 Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Mức vốn pháp định
8. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn (sau đây gọi là xã): 0,5 tỷ đồng.
9. Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường; quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

Như vậy, mức vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định theo quy định trên. Cụ thể, đối với Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn thì mức vốn điều lệ tối thiểu là 500.000.000 đồng.

Còn đối với Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường hoặc Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn liên xã, liên xã phường, liên phường thì mức vốn điều lệ tổi thiểu là 1.000.000.000 đồng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quỹ tín dụng nhân dân

Lê Gia Điền

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào