Nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP?
- Nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu?
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành?
- Một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế bị ngưng hiệu lực từ hôm nay (05/3/2023)?
Nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu?
Ngày 05/3/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu được chào bán trong nước khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu như sau:
Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (sau đây gọi là Nghị định số 153/2020/NĐ- CP) như sau:
"3. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
b) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
c) Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, có 03 nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu gồm:
- Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
- Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
- Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Xem chi tiết Nghị định 08/2023/NĐ-CP tại đây: tại đây
Nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành?
Tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về nguyên tắc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu như sau:
Việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.
- Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
- Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận)."
Theo đó, quy định mới đã cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế bị ngưng hiệu lực từ hôm nay (05/3/2023)?
Tại Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP có quy định ngưng hiệu lực một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, cụ thể:
Ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023
1. Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
2. Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
3. Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.
Theo đó, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu được quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ bị ngưng hiệu lực từ ngày 05/3/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân