Quỹ từ thiện có được chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội không?
Quỹ từ thiện có được chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội không?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội.
1. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
2. Doanh nghiệp xã hội sau khi chuyển đổi theo khoản 1 Điều này kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày doanh nghiệp xã hội được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi từ Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, quỹ từ thiện được phép chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập quỹ từ thiện.
Doanh nghiệp xã hội sau khi chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của quỹ từ thiện.
Quỹ từ thiện có được chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp xã hội khi chấm dứt mục tiêu xã hội đã cam kết trước thời hạn có phải hoàn lại các ưu đãi được nhận không?
Theo Điều 3 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội và chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp xã hội.
1. Doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.
2. Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm Khoản 1 Điều này.
Theo đó, doanh nghiệp xã hội chấm dứt mục tiêu xã hội đã cam kết trước thời hạn phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.
Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài phải lập văn bản gồm những nội dung gì?
Theo Điều 4 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Tiếp nhận viện trợ, tài trợ.
1. Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
2. Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam như sau:
a) Doanh nghiệp lập Văn bản tiếp nhận tài trợ gồm các nội dung: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ; yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ và họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ (nếu có).
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ; kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.
Như vậy, doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài phải lập văn bản gồm những nội dung:
- Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ;
- Yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ và họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ (nếu có).
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh