Xác định giá tính thuế GTGT khi áp dụng hình thức chiết khấu thương mại được thực hiện như thế nào?
Thời điểm lập hóa đơn mua bán hàng hóa là thời điểm nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Thời điểm lập hóa đơn
1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...
Cũng tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định như sau:
Thời điểm xác định thuế GTGT
1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...
Như vậy, căn cứ các quy định trên, thời điểm lập hóa đơn mua bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Đây cũng chính là thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa.
Xác định giá tính thuế GTGT khi áp dụng hình thức chiết khấu thương mại được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Xác định giá tính thuế GTGT khi áp dụng hình thức chiết khấu thương mại được thực hiện như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định như sau:
Giá tính thuế
...
22. Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ quy định từ khoản 1 đến khoản 21 Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hóa đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.
Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.
Như vậy, giá tính thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp dụng hình thức chiết khấu thương mại là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Doanh nghiệp áp dụng hình thức chiết khẩu thương mại phải thể hiện rõ khoản chiết khấu thương mại trên hóa đơn.
Với quy định như trên, vẫn còn một số doanh nghiệp vướng mắc về phương thức xác định giá tính thuế GTGT khi điểu chỉnh hóa đơn bán hàng hóa đối với hoạt động chiết khẩu thương mại. Chính vì vậy, ngày 28 tháng 02 năm 2023 Cục thuế Hà Nội đã ban hành Công văn 8202/CTHN-TTHT năm 2023 giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp về chính sách thuế GTGT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Tại Công văn này, Cục thuế Hà Nội đã giải đáp vấn đề này như sau:
...
Trường hợp Đơn vị có hoạt động chiết khấu thương mại, căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trường hợp Đơn vị là tổ chức nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phát sinh việc hoàn trả hàng hóa theo quy định của pháp luật thi khi hoàn trả hàng hóa, Đơn vị thực hiện lập hóa đơn GTGT theo quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, thuế suất GTGT của hàng hóa hoàn trả tương ứng với thuế suất của hàng hóa đó ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng.
Trường hợp Đơn vị nhận khoản hỗ trợ để thực hiện dịch vụ cho tổ chức như hỗ trợ trưng bày sản phẩm thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Thời điểm xác định thuế GTGT đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Thời điểm lập hóa đơn sau ngày 31/12/2022 thì không được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ.
...
Như vậy, theo Công văn 8202/CTHN-TTHT năm 2023 của Cục thuế Hà Nội thì trường hợp doanh nghiệp có hoạt động chiết khấu thương mại thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau.
Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định về xử lý hóa đơn có sai sót tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trường hợp doanh nghiệp chức nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phát sinh việc hoàn trả hàng hóa theo quy định của pháp luật thi khi hoàn trả hàng hóa, Đơn vị thực hiện lập hóa đơn GTGT theo quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trường hợp Đơn vị nhận khoản hỗ trợ để thực hiện dịch vụ cho tổ chức như hỗ trợ trưng bày sản phẩm thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Thời điểm xác định thuế GTGT đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Có bắt buộc phải lập hóa đơn mua bán hàng hóa dùng để khuyến mại, quảng cáo hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.
...
Như vậy, theo quy định trên, người bán phải lập hóa đơn mua bán hàng hóa kể cả hàng hóa dùng để khuyến mại hay quảng cáo giao cho người mua. Trên thông tin hóa đơn cần phải có đầy đủ các thông tin theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Lê Gia Điền