Khoản thu nhập dự kiến thu được nhưng chưa thực tế phát sinh có được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế hay không?
Khoản thu nhập dự kiến thu được nhưng chưa thực tế phát sinh có được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế hay không?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định như sau:
Xác định thu nhập tính thuế
1. Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước theo quy định.
Thu nhập tính thuế được xác định theo công thức sau:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định
2. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
…
Và theo Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định như sau:
Thu nhập khác
…
7. Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn.
- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh cao hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại tính vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Trường hợp khoản thu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn phát sinh thấp hơn các khoản chi trả lãi tiền vay theo quy định, sau khi bù trừ, phần chênh lệch còn lại giảm trừ vào thu nhập sản xuất kinh doanh chính khi xác định thu nhập chịu thuế.
…
Tại Công văn 6096/CTHN-TTHT năm 2023 về thuế thu nhập doanh nghiệp khoản lãi dự thu do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành hướng dẫn như sau:
Căn cứ các quy định nêu trên, pháp luật thuế TNDN không quy định việc xác định khoản thu nhập dự kiến thu được nhưng chưa thực tế phát sinh được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế. Trường hợp Tổng công ty thực tế phát sinh khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế thực tế phát sinh thu nhập theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) nêu trên.
Như vậy, hiện chưa có quy định việc xác định khoản thu nhập dự kiến thu được nhưng chưa thực tế phát sinh được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế.
Trường hợp công ty thực tế phát sinh khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế thực tế phát sinh thu nhập.
Khoản thu nhập dự kiến thu được nhưng chưa thực tế phát sinh có được tính vào thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế hay không? (Hình từ Internet)
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện này là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 218/2013/NĐ-CP về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20% và thuế suất từ 32% đến 50% quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định này.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại Khoản này áp dụng thuế suất 20%.
2. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.
Tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% quy định tại khoản này là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp của năm trước liền kề.
3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50%. Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, căn cứ vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ, Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với các mỏ tài nguyên bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm áp dụng thuế suất là 50%, trường hợp các mỏ có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 40%.
Theo đó, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% hoặc thuế suất từ 32% đến 50% hoặc được ưu đãi thuế suất, trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định trên.
Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại đâu?
Tại Điều 12 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định về nơi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp nộp thuế tại địa phương nơi đóng trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với địa phương nơi đóng trụ sở chính thì số thuế được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất.
- Đơn vị hạch toán phụ thuộc các doanh nghiệp hạch toán toàn ngành có thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh chính thì nộp thuế tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có hoạt động kinh doanh đó.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo