Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép có phụ thuộc vào cơ quan cấp giấy phép không?

Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép có phụ thuộc vào cơ quan cấp giấy phép không? Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn tối đa là bao nhiêu lâu? Mong được tư vấn.

Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép có phụ thuộc vào cơ quan cấp giấy phép không?

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
...
3. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không phụ thuộc vào cơ quan, người đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà chỉ thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...

Theo đó, thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề không phụ thuộc vào cơ quan, người đã cấp giấy phép hành nghề mà chỉ thực hiện theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép phụ thuộc vào cơ quan cấp giấy phép không?

Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép phụ thuộc vào cơ quan cấp giấy phép không? (Hình từ Internet)

Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn tối đa là bao nhiêu lâu?

Theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định:

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
2. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:
a) Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
3. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Theo đó, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn?

Theo Điều 80 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 41 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn như sau:

- Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn được ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt thu giữ, bảo quản giấy phép và thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép đó biết. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép đó.

- Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được tiến hành các hoạt động ghi trong quyết định xử phạt.

- Đối với các trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn được ghi trong quyết định xử phạt, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khả năng thực tế gây hậu quả tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường thì người có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản việc tước giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn cho các cơ quan có liên quan.

- Trường hợp phát hiện giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tạm giữ và ra quyết định thu hồi ngay theo thẩm quyền; trường hợp không thuộc thẩm quyền thu hồi thì tạm giữ và trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện, phải chuyển giấy phép đó cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp để xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho cá nhân, tổ chức vi phạm biết.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào