Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng như thế nào?
- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng như thế nào?
- Hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động giáo dục trong Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gồm các tài liệu gì?
- Quy định về hợp tác quốc tế của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên?
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng như thế nào?
Tại Điều 15 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT có quy định về việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên như sau:
Kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng
1. Trung tâm có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Học viên học hết chương trình, xóa mù chữ, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thi được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ.
3. Học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
4. Học viên học hết chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu Trung tâm cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
5. Học viên hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì được cấp bằng tương ứng với trình độ đào tạo.
6. Học viên học hết các khóa bồi dưỡng theo các hình thức khác nhau nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục thì được cấp chứng chỉ tương ứng với chương trình học.
7. Đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học để cấp chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, Trung tâm được tổ chức thi, cấp chứng chỉ khi đủ điều kiện theo quy định.
8. Học viên học hết các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn tại Trung tâm thì được dự kiểm tra, nếu đạt yêu cầu theo mục tiêu của chương trình đề ra thì được giám đốc Trung tâm cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học tương ứng với chương trình đã học.
Như vậy, Trung tâm có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo quy định.
Đối với mỗi học viên theo học chương trình khác nhau thì sẽ có quy định về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập khác nhau.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại kết quả học tập, cấp chứng chỉ, văn bằng như thế nào? (Hình từ Internet)
Hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động giáo dục trong Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gồm các tài liệu gì?
Theo khoản 1 Điều 14 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT có quy định về hệ thống sổ sách theo dõi hoạt động giáo dục trong Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bao gồm các loại tài liệu như sau:
- Hồ sơ các Chương trình giáo dục lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân và Chương trình Xóa mù chữ (nếu tổ chức thực hiện), hồ sơ gồm:
+ Sổ đăng bộ;
+ Kế hoạch giáo dục của trung tâm (theo năm học):
+ Sổ theo dõi và đánh giá học viên (bao gồm cả Hồ sơ giáo dục đối với học viên khuyết tật);
+ Sổ ghi đầu bài;
+ Học bạ học viên;
+ Sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
- Hồ sơ các chương trình bồi dưỡng, chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học và các chương trình đào tạo khác
+ Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo của trung tâm (theo nhiệm vụ được giao, từng năm học);
+ Hồ sơ tổ chức các khóa đào tạo nghề sơ cấp (theo quy định và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, nếu Trung tâm tổ chức thực hiện).
- Hồ sơ liên kết đào tạo trình độ đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Hồ sơ kiểm tra, đánh giá của cán bộ, giáo viên và nhân viên;
- Sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến;
- Hồ sơ quản lý thiết bị giáo dục, thư viện;
- Hồ sơ quản lý tài sản, tài chính;
Quy định về hợp tác quốc tế của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên?
Tại Điều 17 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT việc hợp tác quốc tế của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được quy định như sau:
Hợp tác quốc tế
Trung tâm thực hiện các hình thức và các chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người dân, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được thực hiện các hình thức và các chương trình hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ này 22/02/2023
Trân trọng!
Mạc Duy Văn