Tính thuế sử dụng đất nông nghiệp dựa trên những căn cứ nào?
Những căn cứ nào dùng để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp?
Căn cứ Điều 5 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 quy định:
Căn cứ tính thuế đất sử dụng nông nghiệp bao gồm:
- Diện tích;
- Hạng đất;
- Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.
Trong đó, từng căn cứ được xác định như sau:
Tại Điều 6 Luật Thuế sử dụng đất Nông nghiệp 1993 quy định:
Diện tích tính thuế sử dụng đất nông nghiệp là diện tích giao cho hộ sử dụng đất phù hợp với sổ địa chính Nhà nước. Trường hợp chưa lập sổ địa chính thì diện tích tính thuế là diện tích ghi trên tờ khai của hộ sử dụng đất.
Tại Điều 7 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 quy định:
Căn cứ để xác định hạng đất gồm các yếu tố:
- Chất đất;
- Vị trí;
- Địa hình;
- Điều kiện khí hậu, thời tiết;
- Điều kiện tưới tiêu.
Hạng đất tính thuế được ổn định 10 năm. Trong thời hạn ổn định hạng đất, đối với vùng mà Nhà nước đầu tư lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, Chính phủ điều chỉnh lại hạng đất tính thuế.
Căn cứ vào tiêu chuẩn của từng hạng đất và hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác định hạng đất tính thuế cho từng hộ nộp thuế trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Tại Điều 8 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 quy định:
Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.
3. Đối với cây ăn quả lâu năm trồng trên đất trồng cây hàng năm chịu mức thuế như sau:
- Bằng 1,3 lần thuế đất trồng cây hàng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 1, hạng 2 và hạng 3;
- Bằng thuế đất trồng cây hàng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 4, hạng 5 và hạng 6.
4. Đối với cây lấy gỗ và các loại cây lâu năm thu hoạch một lần chịu mức thuế bằng 4% giá trị sản lượng khai thác.
Như vậy, căn cứ tính thuế đất sử dụng nông nghiệp bao gồm:
- Diện tích;
- Hạng đất;
- Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất.
Tính thuế sử dụng đất nông nghiệp dựa trên những căn cứ nào? (Hình từ Internet)
Ủy ban nhân dân phải niêm yết công khai số thuế sử dụng đất nông nghiệp trong năm trong năm của từng hộ nộp thuế trong thời hạn bao nhiêu ngày?
Theo Điều 14 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp 1993 quy định:
Sổ thuế được lập theo đơn vị hành chính các cấp. Đất được đăng ký ở đơn vị hành chính nào thì tính thuế và lập sổ thuế ở đơn vị hành chính đó.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải niêm yết công khai số thuế trong năm của từng hộ nộp thuế trong thời hạn 20 ngày trước khi trình duyệt sổ thuế.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận sổ thuế trước khi trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt.
Theo đó, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải niêm yết công khai số thuế sử dụng đất nông nghiệp trong năm của từng hộ nộp thuế trong thời hạn 20 ngày trước khi trình duyệt sổ thuế.
Thuế sử dụng đất nông nghiệp được nộp bao nhiêu lần một năm?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 74-CP năm 1993 quy định:
Năm thuế sử dụng đất nông nghiệp tính theo năm dương lịch từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12.
Thuế tính cả năm nhưng thu mỗi năm từ 1 đến 2 lần tuỳ theo vụ thu hoạch chính của từng loại cây trồng ở từng địa phương.
Hộ nộp thuế có thể nộp thuế trước khi đến thời hạn thu thuế và ở lần thu thuế đầu tiên có thể nộp hết số thuế phải nộp cả năm.
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc vụ thu thuế và công bố cho toàn dân biết.
Trong trường hợp đặc biệt ở những nơi mà sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1994 chưa lập xong đã bước vào vụ thu thuế đầu tiên, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tạm thu, cuối năm 1994 phải thanh quyết toán theo sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, thuế sử dụng đất nông nghiệp tính cả năm nhưng thu mỗi năm từ 1 đến 2 lần tuỳ theo vụ thu hoạch chính của từng loại cây trồng ở từng địa phương.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh