Cơ cấu tổ chức của Cục Thủy lợi gồm những đơn vị nào? Cục Thủy lợi có tư cách pháp nhân hay không?
Cơ cấu tổ chức của Cục Thủy lợi gồm những tổ chức đơn vị nào?
Căn cứ Điều 3 Quyết định 515/QĐ-BNN-TCCB năm 2023 có quy định về cơ cấu tổ chức của Cục Thủy lợi như sau:
Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Cục: có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
a) Cục trưởng có trách nhiệm: trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục; ban hành Quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu trực thuộc Cục; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của các tổ chức trực thuộc Cục theo phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật;
b) Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Cục trưởng; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
2. Các tổ chức tham mưu:
Các Tổ chức thuộc Tổng cục Thủy lợi được sắp xếp, tổ chức lại thành các tổ chức cấp phòng thuộc Cục Thủy lợi, cụ thể như sau:
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
c) Phòng Pháp chế, Thanh tra;
d) Phòng An ninh nguồn nước và Hợp tác quốc tế;
đ) Phòng Quản lý quy hoạch;
e) Phòng An toàn đập và hồ chứa nước;
g) Phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu;
h) Phòng Bảo vệ công trình và chất lượng nước;
i) Phòng Kinh tế thủy lợi;
k) Phòng Quản lý nước sạch nông thôn;
l) Phòng Quản lý đầu tư và xây dựng;
3. Đơn vị sự nghiệp công lập:
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Thủy lợi tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, cơ cấu tổ chức của Cục Thủy lợi gồm: Lãnh đạo Cục, các tổ chức tham mưu và đơn vị sự nghiệp công lập.
Cơ cấu tổ chức của Cục Thủy lợi gồm những tổ chức đơn vị nào? Cục Thủy lợi có tư cách pháp nhân hay không? (Hình từ Internet)
Cục Thủy lợi có tư cách pháp nhân hay không?
Theo Điều 1 Quyết định 515/QĐ-BNN-TCCB năm 2023 quy định như sau:
Vị trí và chức năng
1. Cục Thủy lợi là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Tổng cục Thủy lợi. Cục Thủy lợi thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về thủy lợi, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, nước sạch nông thôn trong phạm vi cả nước.
2. Cục Thủy lợi có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục Thủy lợi đặt tại thành phố Hà Nội.
Theo đó, Cục Thủy lợi là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Thủy lợi về tưới, tiêu và công trình thủy lợi như thế nào?
Tại khoản 6 Điều 2 Quyết định 515/QĐ-BNN-TCCB năm 2023 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Thủy lợi về tưới, tiêu và công trình thủy lợi như sau:
+) Trình Bộ trưởng:
Quy trình vận hành công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
Quy định về phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi; định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
Báo cáo tổng hợp về nhiệm vụ, số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, đề xuất Bộ Tài chính cấp đủ kinh phí hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Phương án, kế hoạch tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, đa giá trị, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và khai thác kết cấu hạ tầng thủy lợi, bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội;
phương án bảo vệ công trình thủy lợi; biện pháp bảo đảm an toàn và xử lý sự cố đối với các công trình thủy lợi do Bộ quản lý;
Phương án, kế hoạch hiện đại hóa quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn chuyên dùng quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi; phương án thực hiện chính sách xã hội hóa, hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi;
Phương án, giải pháp tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối nguồn nước, cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh; tổng hợp nhu cầu, đề xuất hỗ trợ kinh phí phòng, chống, khắc phục hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng trong phạm vi cả nước;
Phương án kiện toàn tổ chức quản lý, khai thác thủy lợi vùng, quốc gia; phương án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức quản lý thủy lợi;
Kế hoạch, phương án điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất, dân sinh trong trường hợp nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;
Kế hoạch thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đa giá trị, phù hợp với đặc thù vùng, miền; chính sách quản lý, phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi để tăng nguồn thu, đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng kỹ thuật thủy lợi.
+) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi, phương án, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
+) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình kỹ thuật, chính sách tưới, tiêu; quản lý tưới, tiêu, quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
+) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, ngập lụt, úng;
+) Tổ chức thu thập, tổng hợp, giám sát, dự báo nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, diễn biến bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, số lượng, chất lượng nước; khảo sát, đánh giá, kiểm kê nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất, dân sinh; thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng đến sản xuất nông nghiệp;
+) Hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác tổng hợp công trình thủy lợi, sử dụng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi;
+) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo định kỳ 5 năm hoặc đột xuất, kiến nghị việc bảo trì, nâng cấp, đầu tư xây dựng, hiện đại hóa công trình và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
+) Hướng dẫn, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi; phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan xử lý vi phạm quy định về xả nước thải vào công trình thủy lợi;
+) Hướng dẫn, kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững của tổ chức thủy lợi cơ sở theo hướng đa mục tiêu; xây dựng, tuyên truyền, phổ biến các tài liệu kỹ thuật, hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với đặc thù vùng, miền và điều kiện kinh tế - xã hội;
+) Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, hệ thống tưới, tiêu tiên tiến, hiện đại;
+) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo