Sản phẩm quảng cáo có bắt buộc phải có nội dung bằng tiếng Việt không?

Cho tôi hỏi: Sản phẩm quảng cáo có bắt buộc phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt không? Mong được tư vấn.

Sản phẩm quảng cáo có bắt buộc sử dụng phải có nội dung bằng tiếng Việt không?

Tại khoản 1 Điều 18 Luật Quảng cáo 2012 quy định về tiếng nói và chữ viết sử dụng trong sản phẩm quảng cáo như sau:

Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo
1. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
b) Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

Theo quy định nêu trên, các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt trừ một số sản phẩm như:

- Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

- Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

quảng cáo

Sản phẩm quảng cáo có bắt buộc phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt không? (Hình từ Internet)

Sản phẩm quảng cáo có cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì khổ chữ của từng loại tiếng được thể hiện như thế nào?

Tại khoản 2 Điều 18 Luật Quảng cáo 2012 quy định về tiếng nói và chữ viết sử dụng trong sản phẩm quảng cáo như sau:

Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo
...
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Theo quy định nêu trên, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì:

- Khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

- Khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Sản phẩm quảng cáo vi phạm về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo bị phạt bao nhiêu tiền?

Điều 35 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm hành chính với hành vi vi phạm các quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo như sau:

Vi phạm các quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài; các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt; sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài;
b) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà thể hiện khổ chữ nước ngoài vượt quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và không đặt bên dưới chữ tiếng Việt trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 48 Nghị định này;
c) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo có sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo đó, với hành vi vi phạm quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo:

- Cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

- Tổ chức có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo

Trần Thúy Nhàn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào