Muốn thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải ký hợp đồng với ai?
Muốn thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải ký hợp đồng với ai?
Căn cứ Điều 83 Luật Nhà ở 2014 quy định như sau:
Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
1. Việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phải bảo đảm công khai, minh bạch; ngoài yêu cầu phải tuân thủ quy định tại Điều 82, Điều 84 và các quy định về giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở tại Chương VIII của Luật này thì còn phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Trường hợp thuê nhà ở công vụ thì phải thực hiện quy định tại Điều 33 của Luật này;
b) Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì phải thực hiện quy định tại Điều 35 và Điều 41 của Luật này;
c) Trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội thì phải thực hiện quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật này;
d) Trường hợp cho thuê, bán nhà ở cũ thì nhà ở đó phải không có khiếu kiện, tranh chấp về quyền sử dụng và thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà ở.
2. Hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở phải có các nội dung theo quy định tại Điều 121 của Luật này. Việc ký kết hợp đồng được quy định như sau:
a) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua bán nhà ở cũ thì hợp đồng được ký giữa bên mua, bên thuê mua với cơ quan quản lý nhà ở;
b) Trường hợp thuê, thuê mua, mua bán nhà ở để phục vụ tái định cư thì hợp đồng được ký giữa người được tái định cư với đơn vị được giao bố trí tái định cư;
c) Trường hợp thuê nhà ở bao gồm thuê nhà ở cũ, thuê nhà ở công vụ, thuê nhà ở xã hội thì hợp đồng được ký giữa bên thuê với cơ quan quản lý nhà ở hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở đó.
Như vậy, trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bao gồm thuê nhà ở cũ, thuê nhà ở công vụ, thuê nhà ở xã hội thì hợp đồng được ký giữa bên thuê với cơ quan quản lý nhà ở hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở đó.
Muốn thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải ký hợp đồng với ai? (Hình từ Internet)
Hết hạn hợp đồng thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thì có được gia hạn không?
Theo Điều 24 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định như sau:
Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội
1. Việc mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này do các bên thỏa thuận trên cơ sở tham khảo hợp đồng mẫu do Bộ Xây dựng ban hành.
2. Hợp đồng thuê nhà ở xã hội được ký giữa chủ đầu tư hoặc doanh nghiệp được chủ đầu tư ủy thác quản lý, vận hành nhà ở với người thuê nhà ở.
3. Trường hợp hết hạn hợp đồng mà bên thuê vẫn thuộc đối tượng và đủ điều kiện được thuê nhà ở xã hội thì các bên thỏa thuận để ký tiếp hợp đồng thuê nhà ở; trước khi hết hạn hợp đồng thuê ba tháng, nếu bên thuê vẫn còn nhu cầu thuê nhà ở và không vi phạm các trường hợp thuộc diện phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà đã ký thì được quyền ký tiếp hợp đồng thuê nhà ở mới hoặc được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở xã hội.
Như vậy, hợp đồng thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước hết hạn mà bên thuê vẫn thuộc đối tượng và đủ điều kiện được thuê nhà ở xã hội thì các bên thỏa thuận để ký tiếp hợp đồng thuê nhà ở.
Trước khi hết hạn hợp đồng thuê ba tháng, nếu bên thuê vẫn còn nhu cầu thuê nhà ở và không vi phạm các trường hợp thuộc diện phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà đã ký thì được quyền ký tiếp hợp đồng thuê nhà ở mới hoặc được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở xã hội.
Hợp đồng thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước có những nội dung gì?
Tại Điều 14 Thông tư 09/2021/TT-BXD quy định như sau:
Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội
1. Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải có các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Các thông tin về nhà ở giao dịch;
c) Giá mua bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua;
d) Phương thức và thời hạn thanh toán;
đ) Thời hạn giao nhận nhà ở;
e) Bảo hành nhà ở;
g) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
h) Cam kết của các bên;
i) Chấm dứt hợp đồng;
k) Các thỏa thuận khác;
l) Giải quyết tranh chấp;
m) Hiệu lực của hợp đồng;
2. Đối với nhà ở xã hội là căn hộ chung cư thì trong hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua phải đảm bảo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời phải ghi rõ phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, phần sử dụng riêng, phần sử dụng chung của chủ đầu tư và người mua, thuê, thuê mua căn hộ; diện tích sàn xây dựng căn hộ; diện tích sàn sử dụng căn hộ (diện tích thông thủy) để tính tiền mua bán, thuê, thuê mua; Khoản kinh phí bảo trì; mức phí và nguyên tắc Điều chỉnh mức phí quản lý vận hành nhà chung cư trong thời gian chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư.
3. Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở theo mẫu số 01, số 02 và số 03 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Các mẫu hợp đồng quy định tại Điều này là để các bên tham khảo trong quá trình thương thảo, ký kết hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung các Điều Khoản trong hợp đồng mẫu cho phù hợp nhưng hợp đồng do các bên ký kết phải bảo đảm có đầy đủ các nội dung chính quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không được trái với quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về nhà ở.
Theo đó, hợp đồng thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước có những nội dung:
- Tên, địa chỉ của các bên;
- Các thông tin về nhà ở giao dịch;
- Giá mua bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua;
- Phương thức và thời hạn thanh toán;
- Thời hạn giao nhận nhà ở;
- Bảo hành nhà ở;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Cam kết của các bên;
- Chấm dứt hợp đồng;
- Các thỏa thuận khác;
- Giải quyết tranh chấp;
- Hiệu lực của hợp đồng
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh