Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần thực hiện các hoạt động gì để đảm bảo chất lượng giáo dục?
- Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần thực hiện các hoạt động gì để đảm bảo chất lượng giáo dục?
- Để trở thành giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thì cần đáp ứng điều kiện gì?
- Việc hợp tác quốc tế tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được thực hiện thế nào?
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần thực hiện các hoạt động gì để đảm bảo chất lượng giáo dục?
Tại Điều 21 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT có quy định về các hoạt động cần làm để đảm bảo chất lượng giáo dục tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như sau:
Bảo đảm chất lượng giáo dục
Trung tâm có trách nhiệm duy trì các điều kiện về bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định, trong đó thực hiện các hoạt động cụ thể sau:
1. Xây dựng kế hoạch bảo đảm chất lượng, mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn và năm học, công khai đến thành viên trong Trung tâm và các bên liên quan để thực hiện và giám sát việc thực hiện.
2. Tổ chức rà soát, tự đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm học. Duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, có kế hoạch cải tiến để nâng cao chất lượng giáo dục.
3. Báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát.
Như vậy, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần thực hiện các hoạt động để bảo đảm chất lượng giáo dục như: Xây dựng kế hoạch bảo đảm chất lượng, mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn và năm học, công khai đến thành viên trong Trung tâm và các bên liên quan để thực hiện và giám sát việc thực hiện; tổ chức rà soát, tự đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật và kết quả triển khai thực hiện kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm học. Duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, có kế hoạch cải tiến để nâng cao chất lượng giáo dục và các hoạt động khác theo quy định.
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cần thực hiện các hoạt động gì để đảm bảo chất lượng giáo dục? (Hình từ Internet)
Để trở thành giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thì cần đáp ứng điều kiện gì?
Tại Điều 23 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT có quy định về điều kiện để trở thành giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như sau:
Giáo viên
Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên: có bằng cử nhân trở lên ngành Giáo dục đặc biệt hoặc đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông cùng với chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập hoặc chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Nhiệm vụ của giáo viên
a) Thực hiện phát hiện sớm, phân loại nhu cầu giáo dục và can thiệp giáo dục sớm;
b) Hỗ trợ giáo dục hòa nhập;
c) Thực hiện dạy học và giáo dục học sinh khuyết tật tại Trung tâm đúng mục tiêu, nội dung, chương trình, kế hoạch;
d) Tham gia các hoạt động sinh hoạt chuyên môn;
đ) Chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục, phù hợp với đối tượng và điều kiện cụ thể của Trung tâm;
e) Thực hiện các quyết định của giám đốc Trung tâm; chịu sự kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục theo quy định; thực hiện nội quy của Trung tâm và các quy định của Quy chế này;
g) Thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
h) Tích cực, chủ động tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo quy định.
3. Quyền của giáo viên
a) Được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ;
b) Được hưởng mọi quyền lợi ưu đãi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định đối với nhà giáo trong các trường, lớp dành cho người khuyết tật;
c) Được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động chuyên môn khác của Trung tâm; tham gia các cuộc họp xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ được phân công.
Như vậy, Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập: có bằng cử nhân trở lên ngành Giáo dục đặc biệt hoặc đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông cùng với chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về giáo dục hòa nhập hoặc chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc hợp tác quốc tế tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được thực hiện thế nào?
Tại Điều 22 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT có quy định về Việc hợp tác quốc tế tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như sau:
Hợp tác quốc tế
Trung tâm thực hiện các hình thức và các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định hiện hành, việc hợp tác quốc tế tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được thực hiện phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/02/2023.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân