Có được phép sao y văn bản của Bộ, UBND tỉnh gửi mà các Sở, ban, ngành không?
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
Lĩnh vực mà bạn hỏi thuộc vấn đề văn thư lưu trữ quy định tại Nghị định 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004. Theo đó, Nghị định này quy định về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư; được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức).
Khoản 4, 5, 6 Điều 2 Nghị định 110/2004/NĐ-CP quy định :
“4. "Bản sao y bản chính" là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản và được trình bày theo thể thức quy định. Bản sao y bản chính phải được thực hiện từ bản chính;
5. "Bản trích sao" là bản sao một phần nội dung của văn bản và được trình bày theo thể thức quy định. Bản trích sao phải được thực hiện từ bản chính;
6. "Bản sao lục" là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản, được thực hiện từ bản sao y bản chính và trình bày theo thể thức quy định;”.
Về bản sao văn bản được quy định tại Điều 11 Nghị định 110/2004/NĐ-CP như sau:
“1. Các hình thức bản sao được quy định tại Nghị định này gồm bản sao y bản chính, bản trích sao và bản sao lục.
2. Thể thức bản sao được quy định như sau:
Hình thức sao: sao y bản chính hoặc trích sao, hoặc sao lục; tên cơ quan, tổ chức sao văn bản; số, ký hiệu bản sao; địa danh và ngày, tháng, năm sao; chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền; dấu của cơ quan, tổ chức sao văn bản; nơi nhận.
3. Bản sao y bản chính, bản trích sao và bản sao lục được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý như bản chính.
4. Bản sao chụp cả dấu và chữ ký của văn bản không được thực hiện theo đúng thể thức quy định tại khoản 2 của Điều này, chỉ có giá trị thông tin, tham khảo.”
Ngoài ra bạn có thể tham khảo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP và Thông tư 01/2011/TT-BNV.
Thư Viện Pháp Luật