Thủ tục báo cáo hoạt động của nhà máy với Sở lao động - Thương binh và Xã hội
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
Trước khi vào hoạt động, nhà máy chưa phải làm thủ tục báo cáo gì với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp thực hiện một số việc sau:
- Theo qui định tại khoản 1, điều 8 của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm: trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Khi sử dụng lao động, người chủ sử dụng lao động cần tuân thủ các qui định của pháp luật, thực hiện các chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kèm cặp, đào tạo nghề (nếu có) . Trong đó có các qui định cơ bản của Bộ luật lao động về Lao động- Tiền lương, An toàn lao động như:
- Xây dựng và gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý lao động cấp huyện, thành phố; Xây dựng và gửi đăng ký Nội quy Lao động khi doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên.
- Xây dựng Thoả ước Lao động tập thể (khi doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức Công đoàn) và Nội dung thỏa ước lao động tập thể không trái với qui định của pháp luật và có lợi hơn cho người lao động so với qui định của pháp luật.
- Báo cáo (định kỳ, đột xuất) về việc thực hiện pháp luật lao động: tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động, chế độ tiền lương, tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài (có hay không đều phải báo cáo), tình hình trả lương, thưởng nhân dịp lễ, tết...
(Chú ý: Đối với doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tỉnh thì gửi các văn bản nêu trên cho Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh)
- Xây dựng qui chế nâng bậc lương, trả lương, qui chế thưởng;
- Ký kết và thực hiện Hợp đồng lao động;
- Hàng năm , xây dựng kế hoạch an toàn- vệ sinh lao động của cơ sở.
- Tổ chức và phân công nhiệm vụ cho bộ phận an toàn- vệ sinh lao động, bộ phận y tế cơ sở, mạng lưới an toàn- vệ sinh viên
- Thông qua tổ chức dịch vụ hoặc tự huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động( nếu có đủ điều kiện luật định) ; cấp thẻ an toàn vệ sinh lao động cho người lao động;
- Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ: Cấp tờ rơi, tranh áp phích, tài liệu về ATVSLĐ cho người lao động; Tham gia lễ mít tinh; Tham gia tập huấn các lớp huấn luyện về ATVSLĐ do tỉnh tổ chức;
- Xây dựng, rà soát nội quy, quy trình, an toàn lao động, vệ sinh lao động, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phù hợp với từng loại máy, thiết bị, vật tư (kể cả khi đổi mới công nghệ, máy, thiết bị, vật tư) và nơi làm việc.
- Thực hiện chế độ báo cáo về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định.
- Kiểm định các loại máy, thiết bị vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; hỗ trợ khảo sát việc thực hiện chế độ chính sách về ATVSLĐ.
- Thực hiện tự kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở.
- Thực hiện các chế độ chính sách về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, tử tuất, hưu trí, bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động….
- Chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện pháp luật về lao động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Doanh nghiệp có thể truy cập vào các trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước như trang thông tin điện tử của Chính Phủ, Bộ Lao động- TBXH, Cục An toàn lao động ...để biết thêm thông tin; hoặc liên hệ với Phòng Lao động - TBXH (đối với doanh nghiệp nằm ngoài Khu công nghiệp) hoặc với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh (đối với doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp) và Sở Lao động - TBXH để được hướng dẫn thêm.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi./.
Thư Viện Pháp Luật