Nuôi gấu nâu của Nga tại Việt Nam

Tôi muốn mua gấu nâu của Nga về nuôi nhưng không biết mình có quyền như thế nào ở Việt Nam? Ở Nga gấu nâu họ vẫn được quyền săn và giết thịt vậy khi mang về Việt Nam những quyền này của chủ gấu có còn không? Tôi đã đọc Quyết định 95/2008/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhưng không rõ vì của tôi là gấu có nguồn gốc và không phả̉i gấu trong sách đỏ cuả Việt Nam. Ngoài ra tôi còn muốn nhập Cáo ( đã được thuần hoá trong các trang trại của Nga từ lâu). Vậy nếu được nuôi 2 con vật trên thì tôi cần những điều kiện, thủ tục, giấy tờ gì? Những giấy tờ ở Việt Nam tôi có thể hoàn thành sau được không (Hiện tại tôi đang ở Nga)? Rất mong sớm nhận được câu trả lời từ quý vị! Xin chân thành cám ơn! Chuyền.

 

Chi cục Kiểm lâm trả lời như sau:

I. Theo quy định tại Thông tư Số: 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 09 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES); thì một số loài Gấu nâu và một số loài Cáo thuộc phụ lục I,II,III, (Do ông Chuyền không ghi rõ tên khoa học loài trong câu hỏi)

II. Theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính Phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài  động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. cụ thể như sau:

Điều 4. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo, quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES

1. Có giấy phép CITES, chứng chỉ CITES quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 15 Nghị định này khi xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo.

...

Điều 13. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam. Cơ quan quản lý  CITES Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, có Giám đốc và các Phó giám đốc, Văn phòng thường trực (gọi là Văn phòng CITES Việt Nam) đặt tại Cục Kiểm lâm và các Chi nhánh Văn phòng CITES Việt Nam tại miền Trung và miền Nam. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam được sử dụng con dấu riêng.

Văn phòng CITES Việt Nam có các bộ phận thực thi, thông tin tuyên truyền và đào tạo, cấp phép, quản lý các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo và quan hệ quốc tế.

2.Nhiệm vụ của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam:

a) Đại diện cho Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước CITES.

e) Cấp, thu hồi chứng chỉ CITES, giấy phép CITES, giấy phép xuất, nhập khẩu mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.   

Điều 15. Các loại giấy phép, chứng chỉ

 1. Giấy phép CITES quy định tại Phụ biểu 2-A kèm theo Nghị định này áp dụng cho các mẫu vật quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ, dán tem CITES và đóng dấu của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.  

2. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm quy định tại Phụ biểu  2-B kèm theo Nghị định này áp dụng cho mẫu vật lưu niệm quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm phải được ghi đầy đủ, có chữ  ký,  họ và tên của chủ trại nuôi, cơ sở trồng cấy  nhân tạo.

3. Chứng chỉ tiền Công ước quy định tại Phụ biểu 2-C kèm theo Nghị định này áp dụng cho các mẫu vật tiền Công ước.

4. Giấy phép quy định tại Phụ biểu 2-D kèm theo Nghị định này áp dụng cho mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Giấy phép phải được ghi đầy đủ, đóng dấu của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.

Điều 18. Hồ sơ cấp giấy phép, chứng chỉ nhập khẩu mẫu vật

1. Nhập khẩu mẫu vật vì mục đích thương mại:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ theo Phụ biểu 1 kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật thuộc các Phụ lục của Công ước CITES.

c) Trường hợp nhập khẩu mẫu vật là động vật, thực vật hoang dã còn sống phải có giấy tờ sau đây:

- Xác nhận đủ điều kiện nuôi, giữ, chăm sóc của cơ quan kiểm lâm tỉnh hoặc của cơ quan quản lý chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định ở địa phương không có cơ quan kiểm lâm. Đối với các loài thuỷ sinh, có xác nhận của cơ quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc sở quản lý chuyên ngành về thuỷ sản ở địa phương không có cơ quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Xác nhận của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam về việc nhập khẩu mẫu vật đó không ảnh hưởng xấu tới môi trường và việc bảo tồn các loài động vật, thực vật trong nước đối với trường hợp loài động vật, thực vật đó lần đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam.

2. Nhập khẩu mẫu vật không vì mục đích thương mại:

a) Nhập khẩu mẫu vật nghiên cứu khoa học, ngoại giao:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ theo Phụ biểu 1 kèm theo Nghị định  này.

- Bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học hoặc văn bản xác nhận về quà biếu, tặng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Bản sao giấy phép, chứng chỉ xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật quy định tại các Phụ lục II và III của Công ước CITES.

b) Nhập khẩu mẫu vật triển lãm, biễu diễn xiếc không vì mục đích thương mại:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ theo Phụ biểu 1 kèm theo Nghị định này.

- Giấy mời tham gia triển lãm hoặc biểu diễn xiếc của cơ quan có thẩm quyền.

- Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu đối với mẫu vật quy định tại các Phụ lục II và III của Công ước CITES.

3. Nhập khẩu mẫu vật săn bắn:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép CITES theo Phụ biểu 1 kèm theo Nghị định  này.

- Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu hoặc giấy chứng nhận mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của  nước xuất khẩu cấp.

4. Nhập khẩu mẫu vật tiền Công ước:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ theo Phụ biểu 1 kèm theo Nghị định này.

- Hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ của nước xuất khẩu cấp.

          * Căn cứ quy định tại các văn bản trên, cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài  động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, là Cơ quan quản lý  CITES Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .

          Đề nghị ông  Vũ Ngọc Chuyền cần nghiên cứu kỹ các văn bản trên và liên hệ với Cơ quan quản lý  CITES Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào