Lấy đất của người khác để bán

Năm 1996, chồng tôi là ông Bùi Văn Mãnh, làm chức vụ Giám đốc nông trường ở huyện Tri Tôn - An Giang. Đến năm 1997, chồng tôi mất. Khoảng vài tháng sau thì nông trường giải thể và tiến hành cấp đất cho các cán bộ trong nông trường. Trong đó, chồng tôi được chia đất với diện tích là 33 công (33.000 m2). Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng tôi là Bùi Văn Mãnh, nhưng ông Lý Hoàng Anh, chức vụ Phó Giám đốc nông trường giữ lại không giao cho gia đình chúng tôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tiến hành cấp đất. Đến năm 1998, ông Lý Hoàng Anh lại lấy đất của chồng tôi được chia bán cho người khác. Hiện nay, chúng tôi có photo được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng tôi là Bùi Văn Mãnh. Sau đó, tôi làm thủ tục để tiến hành thưa kiện ông Lý Hoàng Anh lên tòa án nhân dân huyện Tri Tôn. Nhưng cho đến nay vẫn chưa xử được vì lý do: Không biết được vị trí đất được cấp (do Tòa án nói cho tôi như vậy). Tôi không biết phải làm thế nào nên muốn nhờ tư vấn giúp tôi.

Căn cứ khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Vì chồng chị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chồng chị là chủ sử dụng đối với diện tích đất này. Nay chồng chị đã mất chị có thể khởi kiện yêu cầu toà án huyện Tri Tôn buộc ông Lý Hoàng Anh phải trả lại đất cho chị.

Theo quy định tại Điều 135, 136 Luật Đất đai năm 2003. Trước khi yêu cầu toà án giải quyết về tranh chấp quyền sử dụng đất chị phải tiến hành hoà giải với ông Lý Hoàng Anh tại Uỷ ban Nhân dân xã, cụ thể:

Điều 135 Luật Đất đai quy dịnh như sau:

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.

Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.

Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.

Điều 136 Luật Đất đai quy định về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết;

Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể hiện thửa đất, tờ bản đồ số bao nhiêu, diện tích sử dụng để có thể xác định vị trí thửa đất.

Chị có thể làm đơn yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường huyện Tri Tôn cung cấp diễn biến quá trình sử dụng đất có chủ sử dụng đất là ông Bùi Văn Mãnh, có vị trí như thế nào để có căn cứ khởi kiện.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào