San ủi đất canh tác có bị phạt hành chính không?
Theo thông tin mà bạn nêu thì chúng tôi chưa rõ việc Ủy ban xã sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cụ thể nào. Đồng thời, chúng tôi cũng không rõ việc “xúc bớt đất” của gia đình ông An có thuộc trường hợp hủy hoại đất hay không. Do đó không thể xác định được việc UBND xã xử phạt hành chính trong trường hợp này là đúng hay sai.
Bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 10, Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
“Điều 10. Hủy hoại đất
1. Làm suy giảm chất lượng đất hoặc làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích sử dụng đã được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ năm trăm nghìn (500.000) đồng đến hai triệu (2.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức một (1);
b) Phạt tiền từ hai triệu (2.000.000) đồng đến mười triệu (10.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức hai (2);
c) Phạt tiền từ mười triệu (10.000.000) đồng đến ba mươi triệu (30.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức ba (3);
d) Phạt tiền từ ba mươi triệu (30.000.000) đồng đến một trăm triệu (100.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức bốn (4).
2. Gây ô nhiễm đất dẫn đến hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích đã được xác định thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ hai triệu (2.000.000) đồng đến mười triệu (10.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức một (1);
b) Phạt tiền từ mười triệu (10.000.000) đồng đến năm mươi triệu (50.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức hai (2);
c) Phạt tiền từ năm mươi triệu (50.000.000) đồng đến hai trăm triệu (200.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức ba (3);
d) Phạt tiền từ hai trăm triệu (200.000.000) đồng đến năm trăm triệu (500.000.000) đồng nếu hậu quả của hành vi thuộc mức bốn (4).
3. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả làm suy giảm chất lượng đất, khắc phục việc thải chất độc gây ô nhiễm đất, khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Nếu việc san ủi đất làm biến dạng địa hình gây hậu quả làm cho đất giảm hoặc mất khả năng sử dụng theo mục đích sử dụng theo quy định chúng tôi viện dẫn ở trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Về thẩm quyền xử phạt, khoản 1, Điều 25, Nghị định 105/2009/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến hai triệu (2.000.000) đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến hai triệu (2.000.000) đồng;
d) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất; tịch thu lợi ích có được do vi phạm có giá trị đến hai triệu (2.000.000) đồng; buộc phải thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai; buộc phải cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu và chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra.”
Thư Viện Pháp Luật