Thủ tục tách sổ đỏ

Tôi có mảnh đất vườn tại khóm 3, P.8, Cà Mau với diện tích 17x15m2. Tôi muốn tách nó là 3 sổ mới với diện tích 4x15m2; 4.5x15m2; 8.5x15m2 cho 3 người khác đứng tên thì có được không? Nếu được thì thủ tục và chi phí như thế nào? Luật sư giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn.

Pháp luật đất đai hiện hành chỉ quy định việc tách thửa đối với đất ở hoặc tách thửa đối với đất nông nghiệp trong trường hợp hợp thửa với thửa đất nông nghiệp khác. Hơn nữa, để được tách thửa thì phải đảm bảo diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại sau khi tách thửa.

Trong khi đó, theo Quyết định số 32/2015/QĐ-UBND ngày 19/10/2015 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành quy định hạn mức tối thiểu tách thửa đất ở trên địa bàn tỉnh Cà Mau thì chỉ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở và bãi bỏ các quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa (có cả đất nông nghiệp) tại Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND ngày 14/7/2011 của UBND tỉnh Cà Mau quy định diện tích tối thiểu được tách thửa và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu trên địa bàn tỉnh Cà Mau. 

Do đó, mặc dù pháp luật đất đai không cấm tách thửa đối với đất nông nghiệp thì trên thực tế, nhiều cơ quan quản lý đất đai tại địa phương vẫn không tiếp nhận hồ sơ tách thửa đối với đất nông nghiệp do không có hướng dẫn, một số cơ quan linh hoạt tiếp nhận và cho phép tách thửa đất nông nghiệp theo diện tích tối thiểu của quy định cũ. Trong trường hợp này, anh, chị nên liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương để tìm hiểu rõ hơn về thủ tục tách thửa đất nông nghiệp.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tại địa phương không thực hiện tách thửa đất nông nghiệp, anh, chị có thể chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở rồi mới tách thửa. Trường hợp đã chuyển thành đất ở, diện tích thửa đất cũng như bề rộng và chiều sâu của thửa đất mà anh, chị dự kiến tách thửa đã đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu được tách thửa. Theo đó, anh, chị có thể thực hiện thủ tục tách thửa nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 4 Quyết định 32/2015/QĐ-UBND như sau:

“1. Khi đã có Thông báo thu hồi đất hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Thửa đất có tài sản gắn liền với đất đang bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kê biên tài sản để thực hiện bản án có hiệu lực của Tòa án.

3. Thửa đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao hoặc cho người sử dụng đất thuê để thực hiện dự án nhưng người sử dụng đất không thực hiện đầu tư dự án.

4. Đất được quy hoạch để xây dựng nhà biệt thự.

5. Đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

6. Đất nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà việc tách thửa không phù hợp với quy hoạch đó.

7. Đất đang có tranh chấp”.

Khi đáp ứng các điều kiện trên, anh, chị có thể nộp hồ sơ để tách thửa tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để được tách thửa.

Thành phần hồ sơ tách thửa gồm (Khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT):

a) Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;

b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.”

Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa là không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào