Thủ tục khiếu nại và tiếp nhận khiếu nại trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung?
Thực tiễn công tác khiếu nại (KN), giải quyết KN cho thấy, trong nhiều trường hợp, công dân không KN đơn lẻ, mà tập trung đông người để KN về cùng một nội dung của một quyết định hành chính. Việc KN như vậy thường thấy trong những vụ việc KN về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Nhiều nơi, tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có trách nhiệm giải quyết triệt để loại KN này, hạn chế tình trạng công dân kéo lên cơ quan Trung ương, tới các nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để thực hiện KN.
Để giải quyết vấn đề này, đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết hiệu quả KN hành chính, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Khoản 4, Điều 8, Luật KN đã xác định trường hợp nhiều người cùng KN về cùng một nội dung thì thực hiện như sau: Đối với trường hợp nhiều người đến KN trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người KN cử đại diện để trình bày nội dung KN; người tiếp nhận KN ghi lại việc KN bằng văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm KN; tên, địa chỉ của người KN; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị KN; nội dung, lý do KN; tài liệu liên quan đến nội dung KN và yêu cầu giải quyết của người KN. Người KN phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn KN. Đơn KN phải có đầy đủ chữ ký của những người KN và có văn bản cử người đại diện mới được thụ lý.
Thủ tục cử đại diện KN và nội dung văn bản cử đại diện KN?
Khi nhiều người cùng KN về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung KN. Người đại diện phải là người KN. Việc cử đại diện được thực hiện như sau: Trường hợp có từ 5 đến 10 người KN thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người KN trở lên thì có thể cử thêm người đại diện nhưng không quá 5 người.
Văn bản cử người đại diện KN phải có những nội dung sau: Ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người đại diện KN, người KN; nội dung, phạm vi được đại diện; chữ ký hoặc điểm chỉ của những người KN; các nội dung khác có liên quan (nếu có). Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.
Tổ chức đối thoại trong trường hợp nhiều người KN về cùng một nội dung thực hiện như thế nào?
Trong trường hợp nhiều người KN về cùng một nội dung, người KN phải cử đại diện để đối thoại với người giải quyết KN. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi người KN có yêu cầu khác nhau và đều có nhu cầu được đối thoại và không đồng ý với việc chỉ đối thoại với người đại diện. Vì vậy, trong trường hợp này, các bộ, ngành, địa phương cần vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật để giải quyết yêu cầu cho người KN, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thư Viện Pháp Luật