Xác minh nội dung khiếu nại lần đầu được thực hiện như thế nào?
Xác minh nội dung khiếu nại (KN) là một khâu rất quan trọng trong trình tự, thủ tục giải quyết KN, làm sáng tỏ những nội dung còn khúc mắc làm phát sinh KN và là cơ sở quan trọng để kết luận về nội dung KN.
Trong trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung KN thì người có thẩm quyền giải quyết KN tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung KN hoặc giao cơ quan Thanh tra Nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình (gọi chung là người có trách nhiệm xác minh theo thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013) xác minh nội dung KN, kiến nghị giải quyết KN. Việc xác minh phải đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức: Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh KN; kiểm tra xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người KN, người bị KN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Việc xác minh nội dung KN lần đầu được thực hiện dưới hình thức giao nhiệm vụ cho cán bộ đi xác minh hoặc thành lập đoàn xác minh hoặc tổ xác minh nội dung KN trong trường hợp cần thiết. Quyết định giao nhiệm vụ xác minh nội dung KN và quyết định về việc xác minh nội dung KN thực hiện theo Mẫu số 01-KN và 04-KN ban hành kèm theo Thông tư 07/2013/TT-CP của Thanh tra Chính phủ.
Trong trường hợp thành lập tổ xác minh thì Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập kế hoạch xác minh nội dung KN, trình người ra quyết định thành lập tổ xác minh phê duyệt và tổ chức thực hiện,
Kế hoạch xác minh nội dung KN, gồm: Căn cứ pháp lý để tiến hành xác minh; mục đích, yêu cầu của việc xác minh; nội dung xác minh; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng; các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc xác minh; dự kiến thời gian thực hiện từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; thời gian dự phòng để xử lý các công việc phát sinh; việc báo cáo tiến độ thực hiện; các nội dung khác (nếu có).
Thư Viện Pháp Luật