Vợ chồng thuận tình ly hôn có cần gửi đơn ra tòa?
Theo quy định này, để chấm dứt quan hệ vợ chồng, vợ chồng bạn bắt buộc phải làm đơn xin ly hôn gửi lên tòa án cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Theo Điều 55 của Luật này quy định về thuận tình ly hôn: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn, do vợ chồng bạn đều tự nguyện ly hôn và không có tranh chấp về tài sản và con cái nên việc ly hôn sẽ thực hiện theo thủ tục thuận tình ly hôn được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) và Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000.
Cụ thể:
Người có yêu cầu nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND cấp quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng. Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Nếu hoà giải không thành, toà án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hoà giải đoàn tụ không thành. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có phản đối sự thoả thuận đó thì toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thoả thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
- Sự thoả thuận của hai bên về tài sản và con trong từng trường hợp cụ thể này là bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Thư Viện Pháp Luật