Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn

Vợ chồng kết hôn 2005, chung sống được 2 người con, đến năm 2013 ly hôn. Tòa án quyết định mỗi người nuôi 1 con, có lần người chồng đến rước đứa con do người vợ đang nuôi dưỡng đi chơi nhưng người vợ không cho. Trường hợp này pháp luật quy định như thế nào?

 

Theo Điều 82, Điều 83, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ đối với người không trực tiếp nuôi con như sau: 

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo quy định trên, nếu người chồng đến thăm con bình thường theo nghĩa vụ của người cha thì người vợ đang nuôi con không được ngăn cản, trừ trường hợp có căn cứ cho thấy người chồng có ý định bắt con đem về nuôi dưỡng trái với phán quyết của Tòa án khi ly hôn.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào