Biên nhận đặt cọc không có xác nhận của chính quyền có giá trị pháp lý không?
Theo Điều 358 Bộ luật Dân sự thì việc đặt cọc phải được lập thành văn bản. Ngoài ra, không có quy định nào bắt buộc văn bản đặt cọc phải được công chứng hay chứng thực. Theo đó, văn bản đặt cọc có chữ ký của bên đặt cọc và bên nhận cọc là có giá trị pháp lý để thưc hiện hoặc giải quyết tranh chấp trong trường hợp phải đưa vụ việc ra Tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế, khi có tranh chấp thì những văn bản được chứng thực/công chứng hoặc có sự chứng kiến của người thứ ba sẽ có cơ sở vững chắc hơn.
Anh có thể ký văn bản đặt cọc theo hình thức hợp đồng đặt cọc hoặc giấy nhận cọc hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào. Nội dung văn bản đặt cọc phải thảo thuận cụ thể các vấn đề như mục đích của việc đặt cọc (để bảo đảm giao kết hợp đồng và/hoặc thực hiện hợp đồng); thời gian cam kết thực hiện công việc được bảo đảm; tài sản đặt cọc (tiền hoặc vật có giá trị); biện pháp xử lý tài sản đặt cọc khi một bên có/không thực hiện đúng cam kết. Theo quy định pháp luật thì việc xử lý tài sản đặt cọc có thể thực hiện như sau: trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết/thực hiện thì bên nhận cọc sẽ hoàn trả cho bên đặt cọc hoặc được trừ vào nghĩa vụ trả tiền; trường hợp bên đặt cọc từ chối giao kết/thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận cọc; trường hợp bên nhận cọc từ chối giao kết/thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và số tiền tương đương với tiền đặt cọc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Thư Viện Pháp Luật