Hỗ trợ chi phí cho nông dân trồng lúa nước
Việc hỗ trợ nông dân trồng lúa nước hiện nay được thực hiện theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Theo đó, hỗ trợ 500.000 đồng/héc-ta/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Căn cứ quy định trên, ngày 17-10-2013, UBND tỉnh An Giang ban hành văn bản số 1200/UBND-TH có nội dung, việc chi hỗ trợ người sản xuất lúa được thực hiện làm 2 lần trong năm (quý II và quý IV), mức chi hỗ trợ đối với vùng trồng lúa nước sản xuất 2 vụ/năm cho mỗi lần chi là 250.000 đồng/héc-ta. Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Tân đều thực hiện cấp phát cho người dân đúng theo quy định nêu trên (cụ thể là mỗi năm cấp phát làm 2 đợt, mỗi đợt là 250.000 đồng/héc-ta). Việc cấp phát này sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2015 theo quy định của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ.
Riêng đối với Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 (thay thế Nghị định 42/2012/NĐ-CP) quy định sau ngày 31-12-2015 không hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất lúa, mà chỉ hỗ trợ cho các địa phương để sử dụng vào các mục đích:
1- Quy hoạch, lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai để thực hiện.
2- Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.
3- Cải tạo nâng chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại. Tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, bón vôi; tháo chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.
4- Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa.
5- Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.
6- Hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuất, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
UBND huyện Phú Tân sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các chủ trương, chính sách trên cho bà con Nhân dân.
Thư Viện Pháp Luật