Gặp tai nạn trên đường đi làm có được gọi là tai nạn lao động?
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm Xã hội 2006 thì người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Như vậy, nếu như chị bạn trên đường đi làm về bị tai nạn thì đây sẽ được xác định là tai nạn lao động và thân nhân của chị bạn sẽ được hưởng các chế độ sau:
1. Doanh nghiệp trợ cấp:
- Thanh toán chi phí cấp cứu (phần không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả).
- Điều 145 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định, người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Đối với trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động mà không do lỗi của người đó, thì doanh nghiệp phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho thân nhân người lao động bị chết.
- Tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 Bộ luật lao động 2012 khi chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động chết theo khoản 6 điều 36 Bộ luật lao động 2012, nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Bảo hiểm xã hội chi trả:
- Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: theo Điều 47 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.
Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động:
Theo Quyết định 01/QĐ-BHXH năm 2014 về Quy định hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành (Có hiệu lực ngày 01/04/2014) thì hồ sơ bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động
- Biên bản điều tra tai nạn lao động theo quy định.
- Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) sau khi đã điều trị thương tật tai nạn lao động ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
- Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
+ Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao).
+ Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao).
- Trợ cấp tuất: Thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội. Thân nhân thuộc trường hợp được hưởng bao gồm:
+ Con chưa đủ mười lăm tuổi; con chưa đủ mười tám tuổi nếu còn đi học; con từ đủ mười lăm tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
+ Vợ từ đủ năm mươi lăm tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ sáu mươi tuổi trở lên; vợ dưới năm mươi lăm tuổi, chồng dưới sáu mươi tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng, người khác mà người mất vì tai nạn có trách nhiệm nuôi dưỡng nếu từ đủ sáu mươi tuổi trở lên đối với nam, từ đủ năm mươi lăm tuổi trở lên đối với nữ;
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung.
Thư Viện Pháp Luật