Điều kiện xét cấp sổ hộ nghèo
Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015:
1. Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.
2. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống.
3. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
4. Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
Việc bình xét, công nhận hộ nghèo được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 5-9-2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau :
Ban Chỉ đạo cấp xã tổ chức bình xét ở thôn/bản, tổ dân cư
a) Chủ trì hội nghị là Trưởng thôn/bản, tổ dân cư; tham dự hội nghị gồm đại diện Đảng ủy, UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thôn/bản, tổ dân cư; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét; đại diện các hộ gia đình trong thôn/bản, tổ dân cư (hội nghị phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự);
b) Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới;
c) Kết quả bình xét phải được ghi vào biên bản; biên bản và danh sách hộ nghèo, cận nghèo qua bình xét được lập thành 2 bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký cuộc họp: 1 bản lưu ở thôn/bản, tổ dân cư; 1 bản gửi Ban Chỉ đạo cấp xã.
Kết quả bình xét là cơ sở để chính quyền cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt và Chủ tịch UBND cấp xã công nhận hộ nghèo, cận nghèo mới.
Anh có thể tham khảo quy định trên để yêu cầu xem xét trường hợp của mình, nếu thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật