Người gây tai nạn giao thông phải chịu trách nhiệm thế nào?
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”
Theo NQ số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 thì: “4. Về các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự như sau:
4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỉ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
Do bạn không nêu rõ về tỷ lệ thương tật nên chưa khẳng định được có đủ điều kiện cấu thành tội phạm chưa. Khi không đủ cấu thành tội phạm thì thuộc trường hợp xử phạt hành chính.
Theo Quyết định số 18/2007 về quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, bạn phải thông báo cho cơ quan công an nơi xảy ra tai nạn. Điều 17. Xử lý hành chính vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông
1. Mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn và xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn, hình thức giải quyết. Cho các bên liên quan phát biểu ý kiến của họ. Mọi ý kiến đều được ghi vào biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông và có chữ ký của các bên liên quan đến tai nạn giao thông.
2. Lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định hoặc đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về bồi thường thiệt hại, tại NQ 03/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể thực hiện điều 609 Bộ luật Dân sự như sau: Vấn đề bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 609 BLDS năm 2005. Cụ thể hơn, tại NQ số 03/2006/NQ-HĐTP bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm: Tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường
Thư Viện Pháp Luật