Điều kiện kết hôn với người nước ngoài
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì mục đích của việc phỏng vấn trực tiếp hai bên nam, nữ tại trụ sở Sở Tư pháp để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết của hai bên nam, nữ về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước.
Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn chưa hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phỏng vấn trước. Sau khi thực hiện phỏng vấn hai bên nam, nữ, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kết hôn, ý kiến của cơ quan công an (nếu có), Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn từ chối đăng ký kết hôn trong các trường hợp sau đây (Điều 26 Nghị định 126/2014/NĐ-CP):
- Một hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam;
- Bên công dân nước ngoài không đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước mà người đó là công dân;
- Bên nam, bên nữ không cung cấp đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
Ngoài ra, việc đăng ký kết hôn bị từ chối nếu kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.
Từ những quy định nêu trên có thể thấy rằng, pháp luật không có quy định về việc công dân Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài phải giao tiếp thành thạo tiếng nước đó. Ngôn ngữ chỉ là một trong các nội dung trong quá trình phỏng vấn. Đặc biệt, cán bộ phỏng vấn không có thẩm quyền yêu cầu các bên nam nữ rút hồ sơ đăng ký kết hôn.Thư Viện Pháp Luật