Thay đổi đặc điểm nhận dạng trên Chứng minh nhân dân
Theo quy định của Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về chứng minh nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 170/2007/NĐ-CP) và quy định của Thông tư số 04/1999/TT-BCA/C13 ngày 19/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân thì việc đổi và cấp lại Chứng minh nhân dân là hoàn toàn khác nhau, cụ thể như sau:
- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:
a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng (15 năm kể từ ngày cấp);
b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được (Chứng minh nhân dân rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin đã ghi trênchứng minh nhân dân);
c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh (Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền);
d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trường hợp chuyển đăng ký hộ khẩu thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại chứng minh nhân dân;
e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng (là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ).
- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng. Nếu thuộc vào trường hợp này thì phải đổi Chứng minh nhân dân mà không phải là cấp lại chứng minh nhân dân. Theo những thông tin mà bạn cung cấp thì bạn không rơi vào trường hợp phải đổi Chứng minh nhân dân vì có sự thay đổi đặc điểm nhận dạng mà bạn thuộc trường hợp cấp lại chứng minh nhân dân do bị mất.
Thư Viện Pháp Luật