Đưa người nghiện ma túy vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, bảo lãnh hành chính đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú
Khoản 11 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy năm 2000 quy định "Người nghiện ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này". Theo Khoản 2 Điều 26 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, được sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2008, người nghiện ma túy có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính "Đưa vào cơ sở chữa bệnh" nếu đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định. Trong thời gian chờ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp “Đưa vào cơ sở chữa bệnh”, người nghiện ma túy không có nơi cư trú nhất định sẽ được đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh. Thời hạn lưu trú không quá 15 ngày.
Đối với trường hợp của con trai anh, nếu đây là lần đầu con anh sử dụng ma túy, chưa bị lệ thuộc vào chất ma túy thì chưa được coi là người nghiện ma túy. Do đó con anhkhông thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh cũng như không phải đối tượng đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh. Trường hợp này, con anh có thể gửi đơn khiếu nại do bị oan sai. Theo quy định tại Mục 10 Phần II của Thông tư liên tịch số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA ngày 25/10/2005 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Công an “Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 05/4/2005 của Chính phủ quy định việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh” thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa con anh vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải xem xét và tiến hành xác minh ngay. Nếu kết quả xác minh chứng tỏ con anh bị bắt oan sai, Trưởng Công an cấp huyện phải có văn bản xác nhận việc bắt oan sai, đồng thời có trách nhiệm đưa con anh về cộng đồng.
Trường hợp cơ quan công an có căn cứ để xác định con anh là người nghiện ma túy và hiện tại chưa xác minh được nơi cư trú thì con anh sẽ được đưa vào lưu trú tạm thời ở cơ sở chữa bệnh.
Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP có quy định: Nếu trong quá trình xác minh lý lịch hoàn thiện hồ sơ mà xác định người nghiện ma túy có nơi cư trú nhất định thì người đó có thể được xem xét để giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi người đó cư trú.
Đồng thời, Thông tư liên tịch số 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA hướng dẫn việc Bảo lãnh hành chính đối với người đã có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh trong trường hợp xác minh người đó có nơi cư trú nhưng ở ngoài tỉnh như sau:
“Trường hợp qua xác minh đối tượng có nơi cư trú ở ngoài tỉnh, nhưng có đề nghị xin bảo lãnh của gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú (đề nghị bảo lãnh phải có ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đối tượng cư trú), thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ra quyết định cho đối tượng về cộng đồng; đồng thời chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan Công an cấp huyện nơi đối tượng cư trú để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú.”
Căn cứ quy định trên thì đối với người nghiện ma túy đã được đưa vào lưu trú tại cơ sở chữa bệnh mà xác minh người đó có nơi cư trú nhưng ở ngoại tỉnh thì chỉ cho phép bảo lãnh hành chính nếu có đơn đề nghị xin bảo lãnh của gia đình, tổ chức xã hội nơi người đó cư trú. Đơn đề nghị bảo lãnh phải có ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi người đó cư trú.
Về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với con anh: Theo Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì đây là biện pháp xử lý hành chính do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định đối với những người thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã (trong đó có người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên) để quản lý, giáo dục họ tại nơi cư trú. Tuy nhiên, đối với trường hợp của con anh, hiện tại không cư trú tại địa phương và đang bị áp dụng biện pháp đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ở tỉnh khác nên không thể áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã./.
Thư Viện Pháp Luật