Điều kiện để người bán dâm được xét trợ cấp tái hoà nhập cộng đồng

Ngày 20/7/2005, Hà Thị H 27 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh H nộp đơn (có xác nhận của Công an xã và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã) đề nghị UBND xã X trợ cấp tiền để tự tạo việc làm, ổn định đời sống. Nội dung đơn đề nghị của Hà Thị H như sau: Ngày 15/4/2005, Hà Thị H đã chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính lần đầu tiên (đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm). Sau khi về địa phương, chị H đã có nhiều tiến bộ và cam kết với chính quyền địa phương không tái phạm. Hiện tại, chị H chưa có việc làm, bản thân thuộc diện khó khăn về kinh tế. Chủ tịch UBND xã X sẽ giải quyết đề nghị của chị Hà Thị H như thế nào?

Đây là tình huống điển hình trong việc triển khai thực hiện biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm. Để giải quyết tình huống trên đúng pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền, về điều kiện để người bán dâm được xét trợ cấp tái hoà nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tại Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 02/11/2004 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn về trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma tuý (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC).

Chị Hà Thị H có đủ điều kiện để được xét trợ cấp tái hòa nhập cộng đồng không?

Theo đơn trình bày của chị Hà Thị H:

- Chị H đã chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính (lần đầu tiên) và sau khi chấp hành xong quyết định đã là người trưởng thành (27 tuổi).

- Sau khi về địa phương đã có nhiều tiến bộ, đã cam kết với chính quyền địa phương không tái phạm.

- Hiện chị H chưa có việc làm, bản thân thuộc diện khó khăn về kinh tế. Điểm l Mục B Phần Những quy định cụ thể của Thông tư số 13/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định: “Người bán dâm, người nghiện ma tuý sau khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính, trở về địa phương đã có nhiều tiến bộ, cam kết không tái phạm, chưa có việc làm ổn định, bản thân, gia đình thuộc diện khó khăn được UBND cấp huyện xét trợ cấp tái hoà nhập cộng đồng, mức tối thiểu là 500.000 đồng/người để tự tạo việc làm, ổn định đời sống. Trợ cấp tái hòa nhập cộng đồng chỉ cấp cho đối tượng chấp hành quyết định lần đầu, không cấp lần thứ hai. Người bán dâm, người nghiện ma túy khi chấp hành xong quyết định mà vẫn ở độ tuổi chưa thành niên thì không được khoản trợ cấp này”. Đối chiếu các điều kiện của chị Hà Thị H với quy định nêu trên, có thể kết luận chị Hà Thị H có đủ điều kiện được xét trợ cấp tái hòa nhập cộng đồng.

Thẩm quyền xét trợ cấp tái hòa nhập cộng đồng

Theo quy định tại điểm l Mục B Phần Những quy định cụ thể của Thông tư số 13/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC thì UBND huyện Y là cơ quan có thẩm quyền xét trợ cấp tái hòa nhập cộng đồng cho chị Hà Thị H.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 68 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh (sau đây viết tắt là Nghị định số 135/2004/NĐ-CP) và Điều 127 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003 thì Chủ tịch UBND xã X - người tiếp nhận đơn đề nghị của chị Hà Thị H có trách nhiệm xác nhận những nội dung viết trong đơn và chuyển đơn của chị Hà Thị H để UBND huyện Y giải quyết theo thẩm quyền. Các bước mà Chủ tịch UBND xã cần tiến hành trong phạm vi thẩm quyền của mình

- Xác nhận những nội dung viết trong đơn của chị Hà Thị H;

- Chuyển đơn của chị Hà Thị H tới UBND huyện Y để giải quyết theo thẩm quyền.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào