Thủ tục cho con nuôi khi bố mẹ ly hôn
Việc đăng ký nuôi con nuôi đối với trẻ em phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi và của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Nuôi con nuôi. Cụ thể trẻ em có cha, mẹ đẻ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký việc nuôi con nuôi phải tiến hành lấy ý kiến cha, mẹ đẻ của trẻ em. Về nguyên tắc, nếu bố, mẹ trẻ không thể hiện sự đồng ý cho con làm con nuôi thì việc đăng ký con nuôi không thể thực hiện được. Việc lấy ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi phải được thể hiện bằng văn bản và có chữ ký của người được lấy ý kiến. Mẫu biên bản lấy ý kiến được ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi. Chị cần gửi đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh nơi cư trú của bố đẻ của con chị để trên cơ sở đó tiến hành thủ tục đăng ký con nuôi.
Trường hợp không thể tìm được nơi cú trú của bố đẻ của trẻ em, chị phải đề nghị Tòa án nhân dân làm thủ tục tuyên bố bố đẻ của trẻ em mất tích, hoặc đã chết. Sau khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền tuyên bố đẻ của trẻ em mất tích hoặc đã chết, chị có thể làm thủ tục cho trẻ em làm con nuôi mà không cần phải xin ý kiến đồng ý của bố đẻ của trẻ em.
Sau khi làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, chị có thể làm thủ tục xin thay đổi họ, tên cho con từ họ, tên của chamẹ đẻ sang họ, tên của cha mẹ nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con đẻ sang họ, tên của cha mẹ nuôi sẽ được xem xét, giải quyết theo các quy định của khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và các quy định pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch có liên quan.
Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn
Thư Viện Pháp Luật