Cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên khi ly hôn
1. Về vấn đề thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định về cấp dưỡng nuôi con
Đối với câu hỏi của anh, xét trên cơ sở nội dung vụ việc, có thể nhận định Bản án của Tòa án có 02 nội dung cơ bản bao gồm vấn đề xác định ai là người có quyền nuôi con và việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm nếu có hiệu lực pháp luật (tức là không có kháng cáo, kháng nghị) thì sẽ được thi hành án. Tuy nhiên, các bản án, quyết định sau đây của Tòa án sơ thẩm sẽ được thi hành ngay, mặc dù có kháng cáo, kháng nghị:
“a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Như vậy, nếu trong Bản án, Tòa án xác định vợ anh có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung thì kể cả khi vợ anh có kháng cáo đối với bản án này thì vẫn phải thực hiện ngay nghĩa vụ cấp dưỡng trong thời gian Tòa án xem xét giải quyết vấn đề quyền nuôi con giữa anh và vợ anh. Việc Chi cục Thi hành án dân sự hoãn thi hành án đối với nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ anh là không đúng pháp luật. Do đó, anh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự để được thi hành bản án về cấp dưỡng của Tòa.
2. Vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Theo như anh trình bày, khi vợ chồng anh ly hôn, anh được Tòa án trao quyền nuôi con chung. Đối vơi vấn đề này, Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định như sau:
“Điều 93. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên”.
Như vậy, do anh đã có quyết định của tòa án giao con sau khi ly hôn đã có hiệu lực pháp luật nên nếu vợ muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì phải chứng minh được anh đã không đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con (như điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con) để Tòa án có thể xem xét, quyết định cho bạn được quyền nuôi con. Nhìn chung, khi quyết định trao quyền nuôi con cho anh hay vợ anh, Tòa án đều phải xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé trên thực tế và phải tính đến nguyện vọng của cháu bé, nếu cháu đủ chín tuổi trở lên.
Thư Viện Pháp Luật